(VOV5)- Năm nay chính phủ Việt Nam chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Điều này cho thấy khởi nghiệp doanh nghiệp đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Cùng với thành tựu hơn 30 đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào những thành tựukinh tế của đất nước. Mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đề ra đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp là không dễ, nhưng là động lực để Việt Nam hướng tới.
|
Ảnh minh họa:internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng như các nước trên thế giới, hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam khi mới bắt đầu đều có ý tưởng kinh doanh để phát triển đúng hướng. Ông Nguyễn Trọng Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: những doanh nhân khởi nghiệp lúc đầu gặp nhiều khó khăn do kiến thức học trong trường khi áp dụng thực tế còn có khoảng cách khá xa. Thêm vào đó, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, marketing, truyền thông, sản xuất sản phẩm...đều rất hạn chế. Để khởi nghiệp thành công trước tiên các doanh từ khi có ý tưởng đến khi thành lập dự án phải chuẩn bị kế hoạch bài bản gồm: cơ sở, tiền đề để khởi nghiệp, chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp, bộ máy điều hành đảm bảo tinh gọn, nhưng hiệu quả. Để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt kết quả tốt nên có sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, thủ tục hành chính tinh gọn. Ông Nguyễn Trọng Thiện cho biết: “Nhà nước cần cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính bởi vì việc cấp phép hiện nay chúng ta vẫn gặp nhiều khúc mắc. Thứ nữa là cần tạo điều kiện về vốn. Chúng ta cần có những hỗ trợ khi mà một cá nhân, một hộ kinh doanh có dự án khả thi thì được bảo lãnh vay vốn tạo điều kiện về vốn một doanh nghiệp, một cá nhân bắt đầu khởi nghiệp thì vấn đề vốn là quan trọng, bởi không có vốn sẽ không có thiết bị, không có công nghệ nhà xưởng và không có tiền thuê công nhân. Do đó, cần ưu đãi về nguồn vốn, tạo điều kiện được tiếp cận các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp để kích thích các doanh nghiệp khởi nghiệp và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài”.
Việc khởi nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp thường khó khăn về nguồn tài chính, đội ngũ nhân sự còn thiếu nghiệp vụ, khả năng thích ứng khi hội nhập còn yếu. Do đó, những kiến thức về thủ tục hành chính, pháp lý… khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều lúng túng. Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Co-working Space, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp, cho rằng: “Doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, những khó khăn cơ bản như là giá chi phí cho văn phòng, chi phí không liên quan đến con người qúa cao lên tới 40 đến 50% chi phí của doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ta giảm tính cạnh tranh. Trong khi các doanh nghiệp lớn, chi phí cho vấn đề này thấp hơn nhiều, các doanh nghiệp nhỏ lại tiêu khá nhiều tiền việc không tạo ra giá trị. Đây là những khó khăn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Thêm vào đó, sự cọ sát tiếp xúc kiến thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang ở mức độ không cao, nếu được cọ sát thì sẽ có những kinh nghiệm, lớp kiến thức giúp việc khởi nghiệp sẽ thành công hơn”.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và xây dựng chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp. Trong đó đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp phát triển quy mô sản xuất. Bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết: Chính phủ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ doanh nhân khi bắt đầu khởi nghiệp và sau khi khởi nghiệp. Chính phủ cũng quan tâm đến sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau và với các nhà đầu tư để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất: “ Chúng tôi đang có kế hoạch, trước hết là phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, các Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng các kế hoạch để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên từng địa bàn cũng như trong cả nước. Thứ hai sẽ tăng cường năng lực cho các hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tiến hành nghiên cứu chi phí kinh doanh, so sánh với các nước trên thế giới để từ đó kiến nghị với Chính phủ về những giải pháp tiếp theo để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển”.
Việt Nam hiện có một thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung và quyết tâm hiện thực hóa những đam mê, niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công thì những doanh nghiệp này ngoài việc trang bị kiến thức kinh doanh, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, ý chí khởi nghiệp của bản thân…Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn đòi hỏi có một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh. Việc Nhà nước đã và đang tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do sáng tạo... sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp thành công.