Tìm điểm dừng cho lạm phát âm

Chỉ số giá tiêu dùng âm 2 tháng liên tiếp chưa đủ để nhận định nền kinh tế đã rơi vào trạng thái giảm phát, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo cần sớm kết đà giảm này nếu không muốn sản xuất kinh doanh tiếp tục đình trệ hơn nữa.

Thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng được xem là bài toán quan trọng nhất hiện nay
Thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng được xem là bài toán quan trọng nhất hiện nay.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,29% trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp tăng âm và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Dữ kiện này, cộng với tốc độ tăng GDP (4,38%) khá thấp trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn của sản xuất và tiêu thụ hàng hóa… đã gây nên những lo ngại về việc nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín cho thấy tất cả đều cho rằng hiện vẫn quá sớm để đề cập đến khả năng giảm phát của nền kinh tế. Trên lý thuyết, nguy cơ này chỉ hiện hữu khi CPI giảm liên tục trong khoảng thời gian một đến hai quý (hoặc ít nhất có một quý giảm sâu), đi kèm với việc kinh tế trì trệ tăng trưởng âm.

Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc CPI "rơi" từ mức trung bình trên 1,4% một tháng của năm 2011 xuống khoảng 0,3% trong 7 tháng đầu năm nay, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn là một diễn biến đáng chú ý. Tuy nhiên, để xem xét khả năng giảm phát, cần theo dõi trong một khoảng thời gian dài hơi hơn, kết hợp với nhiều yếu tố khác.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) thì mặc dù CPI giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng so với trước đó (Quý 1: 4%, Quý 2: 4,66%, vẫn cao hơn so với "đáy" của Quý 1-2009 là 3,14%), doanh thu dịch vụ bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng (tháng 7 tăng cao hơn tháng 6), tồn kho giảm dần...

"Như vậy, nhận định giảm phát là chưa xác đáng, dù ở bất cứ nền kinh tế nào", Tiến sĩ nhận định.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng với một nước đang phát triển như Việt Nam, khả năng GDP "giậm chân tại chỗ" hoặc tăng âm là rất khó.

Trong báo cáo mới công bố Ngân hàng ANZ dự báo từ tháng 7 đến cuối năm, lạm phát của Việt Nam (tính theo năm) có thể ổn định trong khoảng 5 - 6%. Trong khi đó, theo số liệu của JP Morgan, lạm phát cơ bản (CPI loại trừ các mặt hàng lương thực thực phẩm, nhiên liệu…) vẫn tăng 0,6% trong tháng 7, cho dù xu hướng đi xuống đang hiện hiện rất rõ rệt.

Số liệu và dự báo lạm phát của ANZ (trên) và JP Morgan (dưới)
Số liệu và dự báo lạm phát của ANZ (trên) và JP Morgan (dưới).


Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, con số nêu trên cho thấy lạm phát vẫn hiện hữu trong nền kinh tế. Hơn nữa lạm phát cơ bản thực chất chính là lạm phát do nguyên nhân tiền tệ, do đó việc điều hành chính sách này trong những tháng cuối năm cần hết sức thận trọng, nếu không muốn lạm phát tái hồi vào năm sau.

Quan điểm này cũng được Tiến sĩ - Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) chia sẻ. Theo chuyên gia này, kết quả của việc ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát sẽ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả cũng như mức độ kiên định của chính sách tiền tệ trong những tháng tới: “Nếu bây giờ cho rằng lạm phát đã thấp, đến cuối năm lại bơm tiền ra ồ ạt thì rõ ràng là không ổn”, chuyên gia này cảnh báo.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng thống nhất rằng kết thúc đà tăng âm của CPI là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng các năm trước đây đều trên 8%, lạm phát cũng trên dưới 10% thì việc hai chỉ số này giảm mạnh như hiện nay sẽ đe dọa sức sản xuất, kinh doanh. Nguy hiểm hơn, CPI giảm nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn cao so với khả năng chi trả của người dân, khi mà thu nhập của họ giảm sút vì kinh tế khó khăn, thậm chí thất nghiệp.

Tiến sĩ Trần Du Lịch tính toán có thể dùng biện pháp tiền tệ làm tăng chỉ số giá khoảng 3% từ nay đến cuối năm, để cùng với các yếu tố khác, khiến lạm phát ở khoảng 7% vào cuối năm. Điều này là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng đạt trên 5%, sau giai đoạn tổng cầu suy giảm mạnh vừa qua.

Vụ trưởng Vụ thống kê Giá cả (Tổng cục Thống kê) - Nguyễn Đức Thắng dự báo CPI nhiều khả năng sẽ kết thúc đợt tăng âm kể từ tháng 8 do việc áp dụng viện phí, giá điện mới (từ 1-7) cũng như đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 20-7 vừa qua. “Trong tháng 7, mới chỉ có một địa phương là Bắc Ninh áp dụng giá viện phí mới, nên tác động chưa nhiều. Tuy nhiên, khi các nơi áp dụng nhiều hơn, giá cả dịch vụ y tế có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu… cũng có thể tác động đến CPI”, ông Thắng nhận định.

Tăng trưởng GDP được ANZ dự báo sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm
Tăng trưởng GDP được ANZ dự báo sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm.

Đại diện cơ quan thống kê cũng cho rằng mặt bằng giá hiện tại đang khá ổn định, việc điều chỉnh các mặt hàng nêu trên phần lớn đã nằm trong tính toán và không phải là trở lực lớn đối với sản xuất. Trong khi đó, theo dự báo của ANZ, tăng trưởng thực trong 6 tháng cuối năm của Việt Nam có thể cao hơn so với mức 4,1% và 4,7% của 2 quý đầu năm. Các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng đều đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, đồ thị lạm phát dự báo của cả JP Morgan và ANZ cũng cho thấy dấu hiệu nhích lên trong những tháng cuối năm.

Theo Vnexpress

Phản hồi

Các tin/bài khác