(VOV5) - Giáo sư Jay Rosengard, Trường Chính sách công Kenedy, Đại học Harvard, cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng và có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa.
Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế cũng như để Việt Nam phát triển thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai.
Giáo sư Jay Rosengard, Trường Chính sách công Kenedy, Đại học Harvard. Ảnh: Phương Thoa/VOV |
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Giáo sư Jay Rosengard, Trường Chính sách công Kenedy, Đại học Harvard, cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng và có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nếu biết tận dụng hiệu quả những nội lực của nền kinh tế. Giáo sư Jay Rosengard cho rằng để bứt phá trong tăng trưởng kinh tế và trở thành nước phát triển có thu nhập cao Việt Nam phải tăng năng suất lao động, từ đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế: “Đối với Việt Nam, một là, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như đường xá, cảng biển, viễn thông, điện lực, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Hai là, cần cải thiện cơ chế quản trị và quản lý của Chính phủ, tạo ra một cơ chế minh bạch và một môi trường ổn định và bền vững cho các nhà đầu tư dài hạn. Ba là, cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không chỉ đầu tư vào giáo dục đại học mà còn cần đầu tư vào giáo dục nghề, và giáo dục tại tất cả các bậc học, theo đó hệ thống giáo dục cần đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.