(VOV5) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam cam kết có trách nhiệm và tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Ngày 8/11, tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho biết: Tham dự COP27, Việt Nam tiếp tục cùng các nước trên thế giới trao đổi hoàn thiện các cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển, phân bổ một cách minh bạch, cân bằng giữa vấn đề liên quan đến nhiệm vụ thích ứng mà các nước đang phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cam kết có trách nhiệm và tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với ông Simon Harford, CEO của Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP). Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà khẳng định: "Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế hàng đầu, như Hội nghị với Chủ tịch Ngân hàng thế giới, để tìm sáng kiến huy động tài chính, hỗ trợ cho Việt Nam. Ngay trong khuôn khổ COP27, chúng ta đang tiếp tục trao đổi với các đối tác từ các nước G7 và G7 mở rộng, để bàn về vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội, đặc biệt về tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, huy động các nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực này, để thực hiện được cam kết Net Zero".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm việc với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry. Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đang đàm phán với các đối tác để đưa ra những cam kết mục tiêu cụ thể và các điều kiện hỗ trợ chi tiết, đảm bảo tính hiệu quả, bao gồm cơ cấu nguồn vốn, chính sách ưu đãi của mỗi nguồn vốn, hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật như đánh giá sớm tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn như điện gió, điện mặt trời và trong tương lai Việt Nam có thể hướng đến trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng ở Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới.