(VOV5) - Với tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á 3 năm liên tiếp (2022, 2023 và 2024), kinh tế số Việt Nam đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Với đà tăng như hiện nay, kinh tế số Việt Nam dự báo đạt mục tiêu 45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% GDP năm nay.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, cao hơn so với một số nước trong khu vực, như: Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%). Google cũng đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á. Còn Ngân hàng HSBC nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu ASEAN trong thời gian tới.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC |
Ông Tim Evan, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam có dân số rất trẻ, khoảng 80% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động, mức độ thâm nhập internet và phạm vi phủ sóng điện thoại thông minh rất cao. Việt Nam còn có số lượng các công ty kỳ lân đứng thứ 2 trong khu vực. Thương mại điện tử cũng là nền tảng khi Việt Nam có một lực lượng dân số trẻ sẵn sàng chấp nhận công nghệ. Tôi nghĩ tương lai kinh tế số Việt Nam còn rất lớn và trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành."
Theo khảo sát của HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Tạp chí Công Thương |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định chìa khóa tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam là nhờ Việt Nam sớm đặt ra lộ trình cho việc phát triển kinh tế số.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Việt Nam đã có hơn 20 năm chuẩn bị cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho nền kinh tế số: "Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới rất quả quyết và sớm định hình con đường phát triển kinh tế số và đây cũng là chủ trương nhất quán của Chính phủ trong các chỉ đạo của mình. Chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện nền kinh tế số, đặt mục tiêu là đến năm 2030 gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Xét trên một số khía cạnh, chúng ta đã đạt được những thành công nhất định, như: có được đội ngũ nhân lực sớm tiếp cận công nghệ, kinh tế số, cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, từng bước hình thành cơ sở pháp lý về công nghệ số, đảm bảo an ninh."
Bên cạnh đó, còn là yếu tố lực lượng lao động trẻ, khả năng nhận thức với các loại hình công nghệ mới cao, đặc biệt là sự sẵn sàng các doanh nghiệp công nghệ số. Họ đang trở thành đầu tàu trong quá trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ trong nước, hợp tác, kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để tiếp cận công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Diễn đàn tương lai ASEAN 2025 tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Mai Huy Tuấn, CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), chia sẻ: "Thời gian gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thể hiện quyết tâm lớn là đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, cho rằng nếu không phải là thời điểm này thì sẽ không bao giờ khác. Chúng tôi đồng hành cùng Chính phủ, đồng hành cùng với đất nước. Chúng tôi luôn đặt ra một câu hỏi là tại sao đất nước chúng ta với 100 triệu dân với dân số rất trẻ và rất yêu công nghệ, mà chúng ta lại không phải là những người đứng ra tổ chức những sự kiện quốc tế lớn để đưa các đối tác quốc tế đến Việt Nam, phát triển công nghệ cùng Việt Nam."
Dự báo, giá trị thị trường kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Hiện nay, ASEAN đang đàm phán Hiệp định kinh tế số ASEAN và nếu hoàn tất, con số này có thể tăng lên 2.000 tỷ USD. Đây là khung pháp lý đầu tiên trong khu vực nhằm tạo ra một nền tảng chung giúp ASEAN đạt được sự đồng bộ trong các chính sách và thúc đẩy thương mại số khu vực. Với Việt Nam, tham gia Hiệp định giúp Việt Nam có cơ hội để thúc đẩy kinh tế số dựa trên nền tảng vững chắc khi là thị trường năng động và người tiêu dùng có sự linh hoạt cao, mức độ thâm nhập internet cao.
Sự nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, sự sẵn sàng đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ, cùng nhiều yếu tố lợi thế về thị trường, đang tạo ra những bước chuyển toàn diện trong ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế trong ASEAN.