(VOV5) -Việt Nam đánh giá rất cao thị trường châu Âu và mong muốn giữ xuất khẩu ổn định vào thị trường này.
Ngày 25/04, tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu đang diễn ra tại Brussels (Vương quốc Bỉ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ tổ chức họp báo để cập nhật cho báo chí cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản tại châu Âu biết những công việc thực tiễn và các biện pháp mà Việt Nam triển khai để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Tàu cá Việt Nam ra khơi khi đánh bắt. Ảnh TTXVN |
Tại cuộc họp báo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & Hợp tác quốc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam đã đạt kết quả khả quan trên sáu nhóm vấn đề lớn. Trong đó, quan trọng nhất là khung pháp lý với Luật thủy sản được thông qua ngày 21/11/2017 với cách tiếp cận rất mới trong công tác quản lý nghề cá, từ tiếp cận mở sang tiếp cận đóng thông qua hệ thống cấp phép về quản lý hạn ngạch đầu vào và đầu ra.
Cùng với đó, công tác chỉ đạo điều hành từ Chính phủ cho đến các cơ quan địa phương được tăng cường để đảm bảo việc thực thi ngay trong thời gian trước khi luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Đại diện VASEP, bà Lê Hằng, cho biết Hiệp hội thường xuyên cập nhật danh sách các doanh nghiệp thủy sản cam kết chống lại đánh bắt cá IUU bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên trang web của mình, qua đó truyền thông cho cộng đồng các nhà nhập khẩu và đặc biệt là các cơ quan quản lý phía EU biết được sự đồng lòng và quyết tâm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Việt Nam đánh giá rất cao thị trường châu Âu và mong muốn giữ xuất khẩu ổn định vào thị trường này. Cuộc họp báo tại Triển lãm thủy sản toàn cầu Brussels chứng tỏ thiện chí của Việt Nam với việc cung cấp cho các doanh nghiệp, các bạn hàng biết đến những nỗ lực của mình trong công tác quản lý ngành thủy sản, tạo sự yên tâm cho họ trong nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.