Xuất khẩu vượt qua thách thức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6%

(VOV5) - Trong quý I năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 154,3 tỷ USD..

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững cán cân thương mại và xuất siêu hơn 4 tỷ USD, cao hơn mức 1,9 tỷ USD của năm 2022 và 2,5 tỷ USD của năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay.
Xuất khẩu vượt qua thách thức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6% - ảnh 1Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Minh Đức

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam suy giảm, trong quý I,Việt Nam vẫn có 14 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD là: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị; dệt may. Đối với ngành dệt may, ngay từ quý IV năm ngoái, các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hoá từ nguồn cung đến thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết: Doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng nhỏ để đảm bảo duy trì sản xuất, đồng thời nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường, luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất để đón những cơ hội của thị trường. "Chúng tôi có 5 chủ trương liên tục thực hiện, thứ nhất là kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai là kiên định xây dựng chuỗi cung ứng trọn vẹn trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam, trở thành một điểm đến của các đối tác... Kiên định thứ ba là kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội về môi trường bởi vì sẽ trở thành những tiêu chuẩn phi tài chính trong tương lai của các thành viên cung ứng. Thứ tư, kiên định thực hiện công tác chuyển đổi số, tự động hóa. Thứ năm là kiên định đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo con người."

Cũng trong quý 1, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lúa gạo và rau quả tăng trưởng mạnh. Với mặt hàng gạo, sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng hơn 19% về lượng và tăng hơn 30% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý 1 năm nay lên tới 519 USD/tấn, cao nhất trong một thập kỷ qua và dẫn đầu các nước xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu vượt qua thách thức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6% - ảnh 2Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: VOV

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Hiện nay, sản xuất gạo rất tốt, về cơ bản, Việt Nam có nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường thì nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như là các thị trường xuất khẩu gạo khác. Việc các nước hiện nay cũng đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Trung Quốc, Philippines, giúp chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, đạt khoảng 7 triệu tấn."

Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vững các thị trường truyền thống. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD; tiếp sau là Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD. Với thị trường Liên minh Châu Âu (EU), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại hiệu quả tích cực khi xuất siêu sang EU đạt gần 7 tỷ USD.

Đặc biệt trong quý I, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD. Mặc dù thị trường Hoa Kỳ ngày càng có những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa nhập khẩu, như: vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu… nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đáp ứng đẩy đủ, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho rằng: "Các khung khổ đa phương và song phương cũng như nhiều bên mà Việt Nam và Hoa kỳ cùng tham gia, tôi thấy hai bên vẫn có những điểm chung mà có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều. Ngoài ra, một trong những trụ cột chính mà Hoa kỳ đánh giá cao đối với nền kinh tế Việt Nam, đó là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biển đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) khi đưa ra mức cam kết đạt mức phát thải ròng về 0 cho năm 2050. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam hướng đến các sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong tương lai."

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia, tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, diễn ra hôm 31/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những giải pháp để thích ứng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu: "Các thương vụ ngoài nước tập trung đánh giá dự báo tình hình kinh tế của các nước của khu vực sở tại, nhất là những chính sách của các nước vừa qua đối với phản ứng trước những diễn biến, những khó khăn, thách thức về phạm vi toàn cầu để từ đó đánh giá dự báo tình hình của các nước, chính sách của các nước. Nghiên cứu đề xuất những chủ trương, chính sách từ phía Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và người sản xuất làm thế nào để tận dụng tốt nhất những FTA thế hệ mới thông qua hoạt động xuất nhập khẩu của mình."

Năm nay, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm ngoái. Để hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ cùng Bộ Công Thương đã chủ động bám sát tình hình quốc tế và trong nước, cập nhật dự báo về thị trường cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tháo gỡ rào cản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác