Mong hái những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa

(VOV5) - Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trả lời phỏng vấn của VOV5 về phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc.

Trả lời phỏng vấn của VOV5 về phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc, ông Lê Hải Bình bày tỏ niềm tin: "Sau một cơn bão, sau một trận lụt sẽ bật lên những mầm cây xanh và chúng ta mong rằng sẽ hái được những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới".

Ông Bình khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc Toàn quốc 2021 có tính trọng đại trong việc chấn hưng, phát triển nền văn hóa nước nhà.

Trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 2021, Tổng Bí thư chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”, những chỉ đạo này ngay lập tức được hiện thực hóa đi vào cuộc sống.

"Chúng ta cũng thấy trong đời sống xã hội từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc là những nỗ lực của các ngành các cấp để đưa chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước và trong đó có quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư vào cuộc sống và được triển khai hết sức tích cực", ông Bình nói.

Mong hái những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 1
 Liên quan đến công nghiệp văn hóa, các cơ quan chủ quản văn hóa thể thao du lịch và kể cả các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ sở nghiên cứu đã có một số sự kiện, tọa đàm, hội thảo để làm sao các bên cùng ngồi lại đưa ra phương hướng, mục tiêu và đặc biệt quan trọng là những sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước, của các tổ chức đối với các doanh nghiệp.

Để làm công nghiệp văn hóa một cách thành công, mang lại những giá trị thiết thực, đóng góp thiết thực cho đất nước thì lực lượng xung kích chủ đạo thì vẫn là các doanh nghiệp nhưng trong đó sự hỗ trợ của nhà nước rất quan trọng.

Ông Bình cho biết, chúng ta đã có chiến lược phát triển văn hóa ra đời năm 2016, nhưng một trong những điểm Tổng Bí thư chỉ ra trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc là nhiều quan điểm chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước chưa đưa được vào cuộc sống, chưa hiện thực hóa một cách có hiệu quả.

"Đây là lúc các cấp các ngành cùng chung tay ngồi cùng nhau với cả các doanh nghiệp để thực sự đưa ra các biện pháp hữu hiệu vì thời gian không đợi chúng ta. Văn kiện Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 Đại hội Đảng đã đưa ra những mục tiêu chiến lược rất to lớn. Trong đó việc khai thác sức mạnh nội sinh của dân tộc là cực kỳ quan trọng. Và như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, văn hóa là một trong những sức mạnh nội sinh rất căn cốt, chiến lược của dân tộc ta", ông Bình nói.

Nói về tác động tiêu cực của COVID-19 đến ngành công nghiệp văn hóa, ông Bình khẳng định là "thách thức chưa từng thấy".

"Chúng ta đã thấy những nhà hát lâu ngày không sáng đèn, chúng ta đã thấy sự khó khăn trong đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên, chúng ta cũng đã thấy được những khó khăn, trắc trở trong việc làm sao triển khai một sản phẩm văn hóa trong bối cảnh đại dịch này".

Tuy nhiên, cũng chính trong năm qua chúng ta thấy nỗ lực vượt khó như thế nào của các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa của nước ta, của cộng đồng nghệ sĩ, diễn viên, cộng đồng những người làm công nghiệp sáng tạo và chúng ta tiếp tục đạt được những thành tích, những kết quả đáng khích lệ.

Ông Bình dẫn chứng: Trong những cuộc thi tầm cỡ quốc tế thì chúng ta cũng đạt được giải cao. Các bộ phim của chúng ta cũng đạt được kết quả đáng khích lệ, vươn tầm ra quốc tế. Các doanh nghiệp làm công nghiệp sáng tạo vẫn ngày đêm tìm hướng để triển khai và phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn.

"Những kết quả đạt được một lần nữa khẳng định một nét văn hóa rất đặc thù trong truyền thống ta đó là biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội và tôi cho rằng những kinh nghiệm có được trong thời gian khó khăn vừa qua sẽ là những trải nghiệm, những kinh nghiệm hết sức quý báu để ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Chúng ta cũng có thể hình dung là sau một cơ bão, sau một trận lụt sẽ bật lên những mầm cây xanh và chúng ta mong rằng sẽ hái được những quả ngọt trong ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, một trong những mục tiêu quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, của việc quảng bá Việt Nam ra nước ngoài là đến năm 2030, đến 2045 phải định vị rất rõ ràng thứ bậc của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ bậc cân đong đo đếm được cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và cả văn hóa cũng như là sức mạnh mềm.

"Văn hóa đóng góp rất quan trọng, Tổng Bí thư đã nêu rất rõ đó là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta, đó là cái khiến cho dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng xây, bảo vệ tổ quốc vẫn tồn tại và thậm chí khẳng định được tên tuổi và giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức trước mắt là nhiều, công việc cần phải làm thì ngổn ngang.

Tôi thấy, thông thường để một doanh nghiệp văn hóa có thể thành công thì các nền tảng phải dựa vào giá trị văn hóa truyền thống dân tộc", ông Bình nói.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, không thể đi bắt chước vì bắt chước thì sẽ đi sau rất nhiều và không thể nào bằng được các quốc gia khác. Do đó, phải dựa rất chắc vào nền tảng văn hóa dân tộc như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư nói rằng một đất nước, một dân tộc có một nền văn hiến, nền văn hóa như chúng ta thì phải hết sức tự tin để phát triển về công nghiệp văn hóa.

Thứ hai, trên nền tảng đó cần sự sáng tạo, không gian sáng tạo, môi trường sáng tạo và những con người sáng tạo. Con người cũng là một nét văn hóa là không ngừng sáng tạo. Sáng tạo rất linh hoạt để phù hợp với mọi môi trường, mọi hoàn cảnh, mọi tình hình và sáng tạo để phát triển.

Thứ ba, phải học lấy kỹ năng kinh doanh, những cách thức để chuyển hóa những giá trị sẵn có đó, chuyển hóa những sáng tạo đó thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa được thế giới chấp nhận.

Ông Bình cho rằng, để đạt được con số đóng góp 7% vào GDP và xa hơn nữa là để đạt được sự đóng góp hết sức thiết thực và việc tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia có vị thế xứng đáng tương ứng với những mục tiêu 2030, 2045 thì văn hóa và công nghiệp văn hóa phải nỗ lực rất lớn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác