Hội gò Đống Đa diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: Hà Phương/VOV |
Trích đoạn sử thi đã tái hiện hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc bất ngờ tiến công vào thành Thăng Long, đánh tan hơn 29 vạn quân Thanh đem lại chiến thắng lẫy lừng cho dân tộc. Ảnh: Hà Phương/VOV |
Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà... Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan.
2. Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử là một lễ hội lớn ở xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngày khai hội được tổ chức vào ngày 10/1 Âm lịch.
Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc (đến cuối tháng 3 Âm lịch), thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về Yên Tử, chiêm bái, lễ Phật, bày tỏ lòng thành kính với Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: VOV |
Lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… và thu hút hàng triệu lượt khách dâng hương hàng năm. Ảnh: VOV |
3. Hội Lim, Bắc Ninh
Là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc với nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, nấu cơm...
Đặc sắc hơn cả là phần hát hội, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông... Ảnh: VOV |
Tục mời trầu – Nét đẹp văn hóa của người quan họ. Ảnh: VOV |
4. Hội rước pháo Đồng Kỵ
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) là lễ hội truyền thống, được tổ chức vào mùng 4 Tết hàng năm để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc. Ảnh: Văn Giang/VOV |
Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo, những “ông pháo” dài 5-6m có sơn son thiếp vàng, gắn tứ linh được vài trăm trai tráng rước qua các trục đường chính của làng Đồng Kỵ. Ảnh: Tuấn Huy/qdnd.vn |
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước và được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
5. Lễ hội đền Sóc (Hội Gióng)
Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội. Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn.
Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 6/1 Âm lịch hằng năm và kéo dài trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Hoa tre là vật phẩm không thể thiếu trong phần cúng tiến. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Lễ hội Gióng lưu giữ các nghi lễ độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay và được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
6. Lễ hội Cầu ngư
Đã thành thông lệ, cứ “tam niên đáo lệ” tức ba năm một lần, vào tháng Giêng, dân làng Thai Dương Hạ (TP. Huế) sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây cũng là lễ hội Cầu ngư lâu đời bậc nhất ở cố đô Huế với hơn 500 năm tuổi.
Lễ hội Cầu ngư được dân làng Thai Dương Hạ tổ chức là để tưởng nhớ vị Thành Hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá, có công dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. Ảnh: Nguyễn Vương/VTC News |
Hoạt cảnh tại lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương, phường Thuân An, thành phố Huế. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Lễ hội Cầu ngư đầu năm mới là nguồn cổ vũ to lớn giúp ngư dân vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước, biển cả, để mỗi chuyến đi biển đều tôm, cá đầy khoang, thuyền bè an toàn, dân làng hưng thịnh./.