Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long

(VOV5) - Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long (Quảng Ninh) nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.

Ngày 26/12, tại TP Hạ Long, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Hội thảo có sự tham gia của 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long nhấn mạnh, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long còn là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, tự hào sở hữu di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa. 

Thời gian qua, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, Di sản vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long - ảnh 2
Ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong kỷ nguyên mới, TP Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”; dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; nông nghiệp; văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.

Mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế. Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ hóa giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long.

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long - ảnh 3
Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo.

Thảo luận trực tiếp tại phiên thứ nhất của hội thảo, các đại biểu tham luận với chủ đề: “Định vị TP Hạ Long trở thành đô thị di sản trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với nhiều ý kiến gợi mở cho Hạ Long phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có trong sự phát triển kinh tế vùng, khu vực và quốc tế.

Tại phiên thứ hai, các đại biểu thảo luận, toạ đàm, tham vấn ý kiến về 2 chủ đề chính: “Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu” và “Phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản”.

Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế di sản thành phố Hạ Long - ảnh 4
Gắn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, với kinh tế di sản là định hướng chiến lược trong phát triển bền vững TP Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ở phiên thứ hai, các đại biểu đã làm rõ một số nội dung về mô hình kinh tế di sản; kinh tế di sản Hạ Long trong kỷ nguyên mới; tầm nhìn quy hoạch đô thị Hạ Long theo hướng xanh, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh…

Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Việc gắn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, với kinh tế di sản là một định hướng chiến lược trong phát triển bền vững TP Hạ Long, có nhiệm vụ quan trọng vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị to lớn của di sản vịnh Hạ Long.


Phản hồi

Các tin/bài khác