Xòe Thái và nét đẹp của cộng đồng văn hóa dân tộc Thái Tây Bắc
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc -  
(VOV5) - Nghệ thuật xòe Thái là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, biểu trưng cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở nước ta.
Đối với cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc, xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả; đồng thời là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người ở mọi lứa tuổi xích lại gần nhau hơn. |
Nghệ thuật xòe Thái là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, biểu trưng cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở nước ta. |
Xác định giá trị văn hóa và tính nhân văn sâu sắc của nghệ thuật xòe Thái, năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2715 giao tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với các chức năng và các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xây dựng Hồ sơ quốc gia nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên tổ chức khảo sát, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật xòe Thái. Tháng 10/2019, đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về nghệ thuật xòe Thái tại tỉnh Yên Bái. |
Tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) vào chiều 15/12, di sản nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Theo UNESCO nhận định: "Múa xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái dành cho mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người". |
Điệu “khắm khen” (cầm tay nhau) là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái. Điệu xòe này được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Khi săn được con thú, mỗi khi có niềm vui trong gia đình, cộng đồng mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Đây cũng là những động tác cơ bản đầu tiên làm tiền đề để phát triển thành những điệu xòe tiếp theo và phát triển thành những tác phẩm múa dân gian đặc sắc. |
Nghệ thuật xòe được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành chất liệu gắn kết các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc. Có nhiều loại xòe như: xòe vòng, xòe nghi lễ, xòe trình diễn... tuy nhiên trong đó, xòe vòng là phổ biến nhất. |
Xòe Thái được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Trong ảnh: Điệu xòe hái hoa (pít bó), cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, mọi người ai cũng có sức khỏe, được ấm no, hạnh phúc. |
Xòe Thái cũng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. |
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa thế giới khẳng định bản sắc văn hóa phong phú dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng. |
Điệu xoè “Nhôm khăn” (Tung Khăn) xòe 3 bước nhảy hú là điệu xòe được ra đời cùng với sự phát triển của nghề trồng bông dệt vải, biểu hiện niềm vui của con người trước những thành qủa lao động của mình. Đồng thời, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay các thiếu nữ dân tộc Thái thông qua những nét hoa văn tinh tế được thêu trên những chiếc khăn của mình. |
Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người với mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau. Trẻ em học xòe từ ông bà, cha mẹ. Các nghệ nhân và những người thực hành xòe còn truyền dạy trong các đội văn nghệ, các trường phổ thông và trường nghệ thuật. |
Điệu xoè mơi lảu (xòe mời rượu) thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Theo quan niệm của người Thái thì bất cứ ai đến chơi nhà đều được đón tiếp rất trân trọng và hết sức chân tình. Với những động tác mềm mại uyển chuyển, chén rượu mời khách được người thiếu nữ Thái nâng trên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe và câu khắp (hát) mời rượu, thể hiện sự trân trọng đối với khách. |
“Không xoè không vui, không xoè cây lúa không trổ bông, không xoè cây ngô không ra bắp, không xoè trai gái không thành đôi". Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO./. |
(Ảnh tư liệu: VOV)
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc