Cụ Lò Thị Đôi đóng góp cho kháng chiến

(VOV5) - Trong số những bậc cao niên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, phải kể đến cụ Lò Thị Đôi, lúc đó là dân quân tải đạn ở Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cụ Đôi cũng là người tích cực vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm cho quân đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. 

Cụ Lò Thị Đôi đóng góp cho kháng chiến - ảnh 1
Cụ Lò Thị Đôi với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Trong căn nhà sàn nằm đối diện với Sở chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ ở Mường Phăng, cụ Lò Thị Đôi đang ngồi trò chuyện cùng người cháu gái. Tuổi già, chuyện nhớ chuyện quên, nhưng khi nhắc về thời kháng chiến, cụ Đôi, nay đã tròn 100 tuổi, lại tươi tỉnh, hoạt bát hẳn lên.


Cũng như bao thiếu nữ người Thái khác ở Mường Phăng, từ nhỏ, cụ Đôi đã làm quen với việc đi nương, thêu thùa, dệt vải. Nếu quê hương không bị thực dân Pháp chiếm đóng thì có lẽ, cụ Đôi cũng đã yên phận làm một người vợ, người mẹ lặng lẽ nơi xó núi. Nhưng, bước ngoặt cuộc đời cụ là khi cụ được các cán bộ cách mạng ở địa phương vận động tham gia vào đội dân quân tự vệ của Mường Phăng.Từ đây, cụ Đôi dần trưởng thành và nhanh chóng trở thành một nữ dân quân kiên cường, quả cảm. Mỗi khi chuẩn bị có chiến dịch và các trận đánh của bộ đội địa phương, tổ nữ dân quân của cụ Đôi lại được lệnh đi tải đạn, chuyển thương binh, nấu cơm, đắp đường, vận động quân lương... luân phiên phục vụ công tác chiến đấu.


Cụ Lò Thị Đôi đóng góp cho kháng chiến - ảnh 2
Cụ Lò Thị Đôi cùng cháu gái


Thời điểm thực dân Pháp cho quân nhảy dù tăng cường cho chiến dịch Điện Biên cuối năm 1953, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo khắp nơi nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế nhu yếu phẩm và hậu cần của quân đội Việt Nam. Khi ấy, chiến trường ở bản Xôm nằm cạnh Mường Phăng, đang vào hồi cam go, ác liệt, cũng lâm vào tình trạng thiếu quân lương. Sau khi nhận chỉ thị từ lãnh đạo, cụ Đôi và các thành viên trong Tổ nữ dân quân Mường Phăng đã quyên góp, ủng hộ cho bộ đội được gần 9 tấn gạo. Cụ Đôi nhớ lại: “Lúc đó, tôi và các chị em bất kể ngày đêm lặn lội vào từng nhà ở khắp các xó rừng, góc bản để vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội. Lúc đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đồng bào ở Mường Phăng và một số xã lân cận đều nghèo, thế nhưng sau khi nghe giải thích, họ đều vui vẻ ủng hộ. Không những thế, có nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương. 
Khi đi huy động thì tôi bảo nhân dân ở xã mình không đóng góp lương thực, thực phẩm thì bộ đội không làm được việc, mình sẽ bị giặc giết. Khi thu được lương thực rồi thì nộp cho ông Tiếu, ban chỉ huy bộ đội. Gạo lúc đó không phải nấu thành cơm mà rang lên rồi phân phát cho bộ đội thôi".


Cụ Lò Thị Đôi đóng góp cho kháng chiến - ảnh 3
Cụ Lò Thị Đôi với những tấm huy chương mà cụ trân trọng gìn giữ

Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Đôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ ở Mường Phăng, cụ Đôi biết việc mình tích cực vận động bà con đóng góp cho kháng chiến là giúp cho đội quân của tướng Giáp thắng trận. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cụ Đôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời xuống gặp mặt ở Hà nội. Cụ Đôi kể rằng suốt buổi gặp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi cụ rất nhiều về đời sống của đồng bào, về phong trào cách mạng ở Mường Phăng. Cụ Đôi kể lại: "Tướng Giáp có dặn dò tôi là phải làm việc nhiều, bao giờ già, hưu mới thôi. Nên tôi vất vả nhiều rồi. Tôi làm việc 20 năm nữa rồi mới nghỉ hưu. Định xuống thăm quê bác Giáp nhưng rồi có giặc nên tôi lại trở lại, không đi thăm được".


Sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện biên phủ, cụ Đôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì chiến thắng Điện biên phủ là sự kiện lịch sử trọng đại mà cụ và bà con ở Mường Phăng có công đóng góp. Nhưng cụ buồn vì ngày lễ trọng đại không có mặt vị Đại tướng của nhân dân. Những năm sau Chiến dịch Điện biên phủ, cụ Đôi giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Phăng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1979. Cụ được các cấp tặng thưởng 5 huân chương vì những thành tích trong công tác./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác