Bảo tồn bản sắc văn hóa, cái nhìn từ phía các học giả, nhà nghiên cứu

 Bảo tồn bản sắc văn hóa, cái nhìn từ phía các học giả, nhà nghiên cứu  - ảnh 1
 Các đại biểu tham dự Hội nghị bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt


(VOV5) Đối với kiều bào đặc biệt là thế hệ đầu tiên ra nước ngoài sinh sống, việc học tiếng Việt của con cháu họ vẫn là một nỗi lo thường trực. Bởi tiếng Việt còn thì văn hóa Việt còn, tiếng Việt mất thì văn hóa Việt cũng tiêu tan. Tiếng Việt có một ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với từng gia đình người Việt ở nước ngoài. Đã có nhiều trung tâm tiếng Việt ra đời với mục đích đó. Có nơi đóng học phí, có nơi bằng lòng hảo tâm của những người đứng ra tổ chức, không thu tiền: “Trong Trung tâm văn hóa Văn Lang chúng tôi bỏ ra nhiều công sức là trường Tiếng Việt Lạc Long Quân. Ra đời cách đây 12 năm với sự đề xuất của 1 số bậc phụ huynh, làm thế nào để con cháu của mình nói được tiếng Việt”. Ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang nói xuất phát từ nhu cầu rất thiết thực, một số người tâm huyết như ông mới đứng ra mở trung tâm. Làm trong nghề mới biết, việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài là một vấn đề rất vất vả, gian nan. Chuỗi hành trình tìm lại tiếng Việt ở nước ngoài dù rằng vấp phải nhiều gian khó, nhưng liệu đã tìm được lời giải cho bài toán bảo tồn bản sắc văn hóa Việt ở nước ngoài?

Nhà văn Hữu Ngọc nhìn nhận bảo tồn tiếng nói là một vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, muốn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tiếng nói chỉ là một biện pháp nhưng không phải là biện pháp chính: “Tiếng nói không phải là văn hóa, mà chỉ là 1 yếu tố của văn hóa nhất là khi ở nước ngoài. Nhưng nếu chỉ dựa vào bảo tồn tiếng nói để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thì không đủ và không thực tế. Vấn đề đề ra là làm thế nào để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc ngoài vấn đề gìn giữ tiếng nói. Rất khó định nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu định nghĩa được thì mình mới bảo vệ được”.

Điều nhà văn hóa Hữu Ngọc đặt ra trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc VN ở nước ngoài là cần mở nhiều nhà văn hóa VN hơn ở các nước trên thế giới. Hiện nay, có chăng mới chỉ có trung tâm VN ở Pháp, ở Lào. Như thế chưa đủ mạnh. Nhà văn hóa VN ở nước ngoài phải là trung tâm để bảo vệ và phát triển cộng đồng bằng phong tục tập quán, các cuộc hội họp hàng năm. GS Vũ Đức Vượng, Việt kiều Mỹ cũng đồng tình với ý kiến của nhà văn hóa Hữu Ngọc: “Tôi vẫn nghĩ nhà nước VN nên có những phòng văn hóa ở nhiều nơi. Trong phòng văn hóa đó phải có nhân sự thật giỏi. mình phải coi đó là chiến lược lâu dài. Mình phải gửi những người thật giỏi để thuyết phục không những người gốc Việt ở nước ngoài mà cả người bản địa nữa. Họ phải thấy đó là văn hóa VN bấy giờ họ mơi tìm đến chữ VN. Chữ VN rồi sẽ có nhiều người muốn học. Đặt vấn đề chữ Việt chỉ là cái góc nhỏ. Văn hóa là cái lớn hơn. Nến nhà nước mình đặt nặng về văn hóa thì buộc phải mở nhiều phòng văn hóa ở khắp nơi trên thế giới”.

 Bảo tồn bản sắc văn hóa, cái nhìn từ phía các học giả, nhà nghiên cứu  - ảnh 2
                           GS Vũ Đức Vượng (ở giữa)

Để bảo vệ, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết phải định nghĩa được nó. Phó GS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục di sản, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa VN có ý kiến: “Bản sắc là gì? Có phải đặc thù hơn đó là lòng yêu nước và ý thức liên kết cộng đồng. Thứ 2, chúng ta khác người là tín ngưỡng thờ tổ tiên. Ở VN đậm đặc hơn các nước khác như Trung Quốc. VN nổi trội hơn. Tôn vinh đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đền Hùng là 1 biểu trưng độc đáo về cái đó. Có lẽ không có nước nào có biểu tượng sâu sắc như thế. Thứ 3, nói lên bản sắc văn hóa VN là tinh thần khoan dung văn hóa của chúng ta. Văn hóa của chúng ta đối với bạn bè, cha mẹ, anh em, kẻ thù. Nhờ thế chúng ta có nền văn hóa thống nhất trong sự đa dạng. Tiếng Việt là thành tố thứ 4 làm nên bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người Việt để thực hiện cuộc giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế”.

Để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì: “Không có gì làm suy yếu dân tộc nhanh bằng suy đồi về văn hóa. Bản sắc là 1 quá trình không đứng yên cho chúng ta sử dụng và nó cũng thay đổi cùng với dân tộc. Chỉ có điều chúng ta phải lựa chọn cái nào phù hợp với cuộc sống của chúng ta, phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước”.

Muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không phải là lưu giữ trong hệ thống bảo tàng như cách làm của các nước châu Âu, không phải là chính sách, mà theo ý kiến của ông là “phát huy phẩm chất công dân của từng người VN, sự phát triển của một nền văn hóa mới dân chủ thì chúng ta mới có thể giữ gìn được bản sắc”./.
                                                                                                                           Lan Phương
Các tin/bài khác