Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau

(VOV5)- Chiều 23/09, thi hài và di hài của 14 nạn nhân trong vụ hoả hoạn thương tâm đã theo chuyến máy bay thường kỳ Vietnam Airlines từ Matxcơva - Liên bang Nga trở về cùng đất Việt.

Vụ cháy xưởng may tại thành phố Egorevxk trong mười ngày qua là đề tài nóng hổi trên các báo trong nước, ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Các báo đều tập trung nói lên sự rủi ro, bất trắc, những gian khổ, khó khăn của anh chị em công nhân, bày tỏ nỗi đau xót trước sự mất mát của những gia đình nạn nhân không gì bù đắp nổi, và  thể hiện sự phẫn nộ đối với giới chủ thiếu lương tâm.


Nhưng có một khía cạnh khác mà báo chí chưa đề cập đến được bao nhiêu, đó là tình cảm của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và tấm lòng những người Nga trong cơn hoạn nạn.


Cho đến chiều ngày 24/09 là hôm thứ 11 của ngày tang tóc, cộng đồng người Việt Nam tại Matxcơva cũng như toàn Liên bang Nga đều sống trong một tâm trạng thảng thốt, xót thương cho những số phận bất hạnh. Các câu chuyện ở nơi kinh doanh, các hoạt động trong đời sống cộng đồng đều xoay quanh chủ đề vụ cháy.


Sau khi vụ cháy xảy ra, ngay trong đêm, các nhân viên của Sứ quán, Ban Công tác cộng đồng, đại diện Hội Dệt May và những người có trách nhiệm đã đến tận hiện trường vụ cháy. Một mặt, với tư cách là cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm của Sứ quán phối hợp với các cơ quan hữu quan phía Nga tiến hành việc điều tra vụ cháy.


Nhưng việc cấp thiết nhất của Ban công tác Cộng đồng là phải tích cực lo cho những người bị nạn. Các công việc cấp cứu, sơ tán, vận chuyển thi hài về bệnh viện được thực hiện ngay không chậm trễ.


Còn nạn nhân bị bỏng nặng, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện địa phương đã được nhanh chóng chuyển lên Thủ đô Matxcơva, đưa vào bệnh viện chuyên khoa lớn nhất để cứu chữa và chăm sóc.


Matxcơva cách Thành phố ngoại ô Egoirevxk trên 110km, hàng ngày, những cán bộ công tác vẫn như con thoi liên hệ, nắm tình hình và trao đổi với Lãnh đạo Sứ quán để giải quyết hậu quả.


Công việc không chậm trễ là phải chuẩn bị đưa thi hài nạn nhân về nước. Hiếm có một trường hợp nào, trong suốt một tuần lễ, Đại sứ quán ra năm thông báo, tính ra cứ hai ngày có một thông báo chính thức với cộng đồng người Việt về các bước thực hiện cho vụ việc này.


Mười bốn nạn nhân ở các tỉnh khác nhau, có gia cảnh khác nhau, trong đó có hai đôi vợ chồng, hai anh em con chú bác ruột; có người theo Thiên Chúa giáo, làm sao để đáp những nguyện vọng của ngần ấy gia đình; làm sao để làm lễ tang theo lễ nghi chung một cách trọn vẹn; làm sao để đưa các thi hài về cùng đợt theo các yêu cầu; làm sao để trao đổi, kết nối thông tin với ngần ấy gia đình và để thống nhất công việc?  Làm sao trong một thời gian ngắn nhất phải hoàn tất thủ tục về mặt giấy tờ về phía Nga, và phía Việt Nam làm sao giải toả hết những bức xúc xẩy ra?


Ngoài ra còn vấn đề tài chính lo lễ tang, tiền khâm liệm, tiền tang tế, tiền vận chuyển tất cả thi hài từ Egorevxk về Matxcơva trong điều kiện đặc biệt, và từ Matxcova về tới Việt Nam.


Một ban lễ tang được thành lập, phân công việc cụ thể, dù rất nặng nề, dù rất gấp gáp, nhưng buộc mỗi thành viên phải hoàn thành. Đích thân Đại sứ phải chỉ đạo tất cả các cuộc họp, và bản thân Công sứ nhận trách nhiệm là Trưởng ban để điều phối công việc.


Phương án chuẩn bị lễ truy điệu các nạn nhân được ấn định vào 7 giờ 30 sáng ngày 21- 9, theo giờ được chọn, mặc dù vào giờ đó, lịch sử Nga trong thời bình chưa hề tổ chức. Nhưng vì chúng ta là người Phương Đông, chúng ta có những tập quán riêng phải chấp thuận. Muốn vậy, những người đi dự Lễ truy điệu phải rời Matxcơva khoảng 3 giờ sáng, để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị.

Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau - ảnh 1

Anh em trong Hội Dệt May Thăng Long đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Từ một Hội trường cũ được xây dựng từ thời Liên Xô, anh chị em trong Hội đã đưa công nhân mang theo đầy đủ dụng cụ như một xưởng mộc, mang theo cả một xe vải, đồ gỗ, thảm trải nhà đến từ một địa điểm cách xa 200 km để chỉ trong hơn một ngày đêm, phải lo xong một nhà tang lễ trang nghiêm.


Đại sứ quán đã cử Tham tán công sứ , Phó Ban tang lễ cùng xuống Egorevxk với anh em công nhân làm việc, chỉ đạo và giám sát.


Vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu, công việc mới hoàn tất trước sự chứng kiến của những người Nga trong khu vực.


Dù tang lễ được tiến hành ở Nga nhưng hoàn toàn tuân tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi nghi thức của dân tộc. Trên các di ảnh của nạn nhân là bàn thờ cúng Phật, dưới các di ảnh nạn nhân là, hương hoa, kim ngân và bát hương, cơm cúng.


Đồ cúng được anh chị em Phật tử đạo tràng lo liệu cẩn trọng và chu đáo. Ngay một hôm trước đó, anh chị em đã làm thủ tục và đón kịp hai Đại đức Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Việt Nam sang làm lễ cầu siêu. Hai thầy ngay trong đêm, đã có mặt trước khi mọi người đến để sắp xếp bàn thờ và cúng phẩm.


Buổi lễ Truy điệu tiến hành trong không khí xúc động nhưng rất trang trọng. Ông Tham tán công sứ đọc điếu văn trong những tiếng khóc và đôi mắt đỏ hoe của người thân và anh chị em công nhân xin phép chủ xưởng nghỉ, lặn lội hàng trăm cây số đến từ lúc nửa đêm. Hơn một trăm hai mươi người đại diện cho hàng chục ngàn người Việt tại Liên bang Nga không ai cầm được nước mắt.


Đại sứ, Công sứ và nhiều cán bộ Tham tán, phòng ban và các nhân viện phòng ban Đại Sứ quán cũng đều có mặt. Trong Lời chia buồn đọc trong Lễ truy điệu, Đại sứ sau khi bày tỏ tình cảm của mình, chia sẻ với thân nhân các gia đình nỗi đau mất mát lớn lao này, ông kêu gọi cộng đồng đoàn kết, thương yêu nhau hơn, mong muốn những tai nạn thương tâm tương tự sẽ không xảy ra với cộng đồng chúng ta!


Trong buổi truy điệu, hai đại đức  làm lễ và cùng các phật tử đọc kinh cầu siêu cho các nạn nhân giống như nghi lễ tiến hành ở các chùa trong nước. Khi các sư thầy ra khu vực làm lễ chúng  sinh, thì anh em giáo hữu tiếp tục làm lễ cầu nguyện và đọc kinh cho nạn nhân theo Thiên chúa giáo. Ông Chủ tịch Hội Dệt May, một tín đồ Thiên Chúa giáo cũng tham gia lễ nguyện cùng các tín đồ khác.

Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau - ảnh 2

Kết thúc Lễ truy điệu, thân nhân gia đình, nhưng anh em đồng nghiệp, đồng hương của các  nạn nhân lại tiếp tục đến Bệnh viện để nhận mặt và chia tay lần cuối cùng với họ trước khi chuyển thi hài lên Matxcơva để làm những thủ tục cuối cùng. Các thi hài được chăm sóc chu đáo, mang y phục giống nhau, được trang điểm một cách cẩn thận nguyên trạng như khi còn ở trên đời.


Đây là một việc làm cẩn trọng, vì trong số anh em Ban lễ tang và các đại diện Sứ quán, không ai biết mặt nạn nhân, chỉ đối chiếu qua ảnh hộ chiếu. Những người nhà nạn nhân và bè bạn đã xác nhận một cách chính xác, đã dánh dấu và ghi tuổi tên vào quan tài để không thể xẩy ra lầm lẫn.


Người chạy ngược xuôi suốt năm lần từ Matxcơva về Egorevxk và ngược lại trong mười một ngày để lo liệu những việc cần thiết từ hiện trường, phiên dịch, đã cùng với chị Liên - người có kinh nghiệm làm thủ tục, rất tận tuỵ và vô tư- vào bệnh viện, đến nơi để thi hài lần đầu tiên, cùng đi theo xe chở thi hài lên Matxcơva và sau đó cùng anh em Sứ quán, Ban Công tác cộng đồng ra sân bay để đưa anh chị em đã khuất về cõi vĩnh hằng, là chị phụ trách tờ báo điện tử baonga.com. Quả thật, công việc được tiến hành một cách nhanh chóng và chu tất, một phần là nhờ sự tận tâm của chị.


Ba hôm nay, trên các trang báo điện tử người Việt ở Nga và đặc biệt là trên bốn tờ báo giấy của Cộng đồng, luôn có tới bảy trang đăng kín tên của các cá nhân, tổ chức, các Hội Đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Yên Thành...trao tặng tiền từ thiện. Vẫn chưa dừng lại đó, mỗi ngày lại có thêm hàng chục người tìm gặp các Hội, các đơn vị để muốn đóng gióp một chút tình cảm của mình.


Ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ cháy, Hội người Việt tại Xvedlov đã đăng lời chia buồn trên tờ báo mạng mekongnet.ru và tổ chức quyên tiền để gửi lên cho Ban Công tác cộng đồng. Các Hội người Việt Volgagrat, Kraxnodar, Hội Người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp, Ký túc xá Rư Băc... đã gấp rút đóng góp tiền để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân và làm các gia đình của họ.


Còn Khách sạn Mekong, Ban Giám đốc đã bằng mọi cách thu xếp để có chỗ ở, lo ăn uống cho một số anh chị em tạm thời sơ tán lên đây chưa có chỗ tá túc.


Trong cuộc họp trước ngày làm lễ truy điệu, Đại sứ Phạm Xuân Sơn trước tất cả anh em tuyên bố: "Ban Công tác cộng đồng vô cùng trân trọng sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức của Cộng đồng. Số tiền này dùng để lo liệu các thủ tục cần thiết cho tang lễ, đưa các thi hài, di hài về nước, hỗ trợ nạn nhân cứu chữa trong bệnh viện, và giúp gia đình các nạn nhận. Số tiền này được chi tiêu và đề nghị người có trách nhiệm ghi chép cẩn thận đến từng xu."


Một thành viên gia đình, thân nhân của một trong ba nạn nhân của Huyện Yên Thành sau khi Lễ truy điệu kết thúc, đã đến gặp anh em trong Ban Tang lễ bày tỏ niềm xúc động trược sự chu đáo, đầy trách nhiệm và tình người của Đại Sứ quán và bà con Cộng đồng. Chúng tôi chia sẻ nỗi buồn tới gia đình anh và nhắc lại một câu trong bài hát của Nhạc sĩ Trần Hoàn: "Có qua cơn hoạn nạn, mới thấu được lòng nhau"

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác