“Đi học nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn“

(VOV5) - Chia sẻ những kinh nghiệm du học của một sinh viên ngành thiết kế đồ họa (graphic design) tại Nhật Bản.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

"Ở Tsurushinden, Tsurajima-cho thuộc thành phố Kurashiki, người dân trồng sen để thu hoạch củ. Cánh đồng trải rộng 60 ha ở phía bắc của Khu Liên hợp Mizúhima JFE Steel West Japan Works, gần Tuyến Cầu Mizutama. Được trồng trên đất sét và nước đưa từ sông Takahashi vào cánh đồng để tưới nên củ sen có màu trắng, vị ngọt, mềm, dày và giòn.” Củ sen Tsurajima đã thành một thương hiệu nổi tiếng ở Nhật Bản. Cậu sinh viên năm hai trường Đại học Nghệ thuật và Khoa học tỉnh Okayama, Nhật Bản khi ấy, đã nhận ra được điều mình cần làm, khi thực hiện một dự án ở trường ra cho sinh viên: phát triển thương hiệu cho một mặt hàng quanh khu vực mình sinh sống, có thể kinh doanh ngay trong tỉnh cũng như có tương lai phát triển.
“Đi học nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn“ - ảnh 1Nguyễn Ngọc Bảo sinh viên ngành graphic design tại trường Đại học Nghệ thuật và Khoa học tỉnh Okayama, Nhật Bản.

Nguyễn Ngọc Bảo kể lại, sen Kurashiki làm cậu nhớ về sen quê nhà: "Củ sen của Kurashiki rất nổi tiếng, rất nhiều người khen ngon, bùi, thơm. Nhưng tôi nghĩ tại sao chỉ trồng sen để thu hoạch mỗi củ, trong khi người Việt Nam mình ngoài ra còn thu hoạch ngó sen, hạt sen, thân sen (để kéo sợi dệt vải sen) Tôi nghĩ tại sao mình không thể hiện ý tưởng dùng thân sen để dệt vải, và mở một tiệm quần áo tại trung tâm thành phố Kurashiki, Khu bảo tàng nghệ thuật tại Quảng trường Lịch sử Kurashiki bikan, để làm các sản phẩm về thời trang.”

Bảo đã lên mạng nghiên cứu và tìm hiểu những quốc gia hay trồng sen và cách họ ứng dụng vào đời sống, đặc biệt là tìm về với cách sử dụng sen ở quê hương Việt Nam. Khi tìm được thông tin ở Việt Nam cuống sen được dùng để kéo sợi và dệt vải, tạo ra nhiều sản phẩm thời trang đẹp, mà Nhật Bản lại chưa dùng phương pháp này. Bảo nghĩ tới khí hậu các tỉnh phía Nam của Nhật Bản khá giống Việt Nam, vì thế, tại sao không sử dụng chúng trong cách tạo ra một mặt hàng mới cho sen Tsurajima.

“Đi học nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn“ - ảnh 2Mẫu thiết kế logo của Nguyễn Ngọc Bảo

“Ý tưởng của tôi là thiết kế một bộ nhận diện thương hiệu về thời trang và cách trang phục đều được làm từ vải tơ sen. Tôi bắt đầu thiết kế logo dựa trên các sản phẩm đó, gắn logo biểu tượng và logo chữ tiếng Việt là sen – là từ người Nhật dễ đọc, và với người Việt cũng có nghĩa. Logo biểu tượng chia làm 4 phần, chỉ ra 4 bước để sản xuất vải tơ sen: từ thu hoạch, kéo sơị và đưa lên máy dệt, tạo thành một bộ logo hoàn chỉnh.

Khu tôi sống có một khu gần giống phổ cố Hà Nội là Khu bảo tàng nghệ thuật tại Quảng trường Lịch sử Kurashiki bikan có tuổi đời 300 năm, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ Châu Á đến Châu Âu. Mình bán các sản phẩm lưu niệm như thế sẽ thu hút được nhiều khách tới xem, nên sản phẩm dù có đắt đỏ, tốn công sức nhưng hiệu quả vẫn cao” - Bảo nói.

“Đi học nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn“ - ảnh 3Một thiết kế mẫu áo, chất liệu được sản xuất từ thân sen của Nguyễn Ngọc Bảo.

Dự án của Bảo được thầy cô đánh giá cao. Bảo nói, dù mới là một dự án, cậu hy vọng nó sẽ sớm tìm được nguồn triển khai hợp lý. Cũng như khi cậu cùng nhóm bạn triển khai đề án về tái sử dụng sản phẩm thời trang: "Ở thành phố Kurashiki có một khu chuyên bán quần áo vải jean. Khi sản xuất quần áo có những phần vải bị bỏ đi rất lãng phí nên chúng tôi họp nhóm cùng nhau làm về tái chế snả phẩm đó. Có những người thích tái chế thành vòng tay, có người thành cặp sách. Ý tưởng của tôi là từ những mảnh li ti đó khâu lại với nhau thành khung treo , thành giá để đồ... và dự kiến đưa vào để bán."

“Đi học nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn“ - ảnh 4Mẫu thiết kế tái chế từ vải jean thừa của Nguyễn Ngọc Bảo.

Từng học Đại học Xây dựng khoa Kiến trúc quy hoạch hơn 1 năm, nhưng vẫn nung nấu ước mơ học một ngành về sáng tạo, Bảo quyết định đi học tiếng Nhật và đi du học, chuyên ngành graphic design – thiết kế đồ họa, tạo bộ nhận diện thương hiệu. Lý giải cho sự lựa chọn của mình, Bảo chia sẻ: "Hiện nay rất nhiều khách hàng đang đầu tư vào Việt Nam, nhất là về thiết kế logo và phát triển bộ nhận diện thương hiệu. Giới trẻ Việt Nam giờ rất sáng tạo và rất nhanh cập nhật các mảng về truyền thông, nên thiết kế đồ họa cũng phát triển theo. Ai cũng cần thiết kế, cũng cần cái đẹp”

Chia sẻ từ kinh nghiệm của mình, Bảo cho biết điều quan trọng là không ngần ngại trước sự thay đổi, cần tìm hiểu, cần học hỏi mỗi ngày: “Tôi đã học được rất nhiều thứ khi đi sang Nhật Bản, từ văn hóa cho đến cách ứng xử. Có cơ hội để đi ra nước ngoài là một lợi thế. Tôi cảm thấy mỗi một môi trường có một cách giao tiếp, nói chuyện khác nhau, văn hóa khác nhau. Khi được tiếp xúc với nhiều người khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, thì mình sẽ có cách để ứng xử một cách hợp lý nhất. Đi nước ngoài là một cách để mình biết lắng nghe hơn.”…

Trường Đại học Nghệ thuật và Khoa học chỉ có khoảng chục sinh viên Việt Nam, trong đó khoa của Bảo chỉ có mình cậu. Những hoạt động của trường luôn có các dự án để  sinh viên tương tác với khách hàng khu vực xung quanh trường: "Sốc văn hóa đương nhiên sẽ có, ít hay nhiều thôi. Mình không phải người sinh ra lớn lên tại nơi đó nên sốc là đương nhiên. Thỉnh thoảng hiện tại tôi vẫn sốc văn hóa.Nhưng cũng có hai mặt: người lắng nghe, biết để ý thì sẽ dần dần hòa nhập được với mọi người.”

Với ngành graphic design – thiết kế đồ họa đang “hot” nói riêng, cũng như là với việc sáng tạo nói chung, Nguyễn Ngọc Bảo đã học được điều gì từ trường Đại học của Nhật Bản? Cậu bật mí: “Học về thiết kế không chỉ đẹp mà phải có tính ứng dụng cao. Cái quan trọng của thiết kế là cách giải quyết vấn đề, cách ứng dụng, vì ở Nhật Bản có rất nhiều người già, phải nghĩ ra những sản phẩm nào đó mà những người già, người khuyết tật, khiếm thị có thể sử dụng một cách dễ dàng. Người Nhật rất chú tâm đến 17 tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững trong việc thiết kế các sản phẩm. Tôi mong muốn đi thực tập ở Nhật và sau đó về Việt Nam làm vì hiện tại nước mình rất phát triển về ngành này. Dần dần người ta không chỉ lo cơm ăn áo mặc nữa mà đã có ý thức hướng sang cái đẹp, cái thẩm mỹ. Gu thẩm mỹ của người Việt Nam mình cũng đang dần tốt lên, thì sao mình không về để làm việc cho đất nước?” 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác