(VOV5) - Luôn nghĩ quê hương, hướng về về tổ tiên và gia đình chính giá trị tình cảm của người Việt với Tết cổ truyền của dân tộc.
Không khí đón Tết cổ truyền Việt Nam đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, hương xuân ngập tràn, mai vàng đào thắm đua nhau khoe sắc. Nhà nhà người người hối hả chuẩn bị Tết để đón chào một năm mới tốt lành. Thêm một năm nữa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà rất nhiều người Việt ở nước ngoài không thể trở về ăn Tết ở quê nhà. Tuy nhiên, nhiều gia đình gắng sắm sanh một cái Tết là tươm tất mang đủ đầy hương vị Tết quê nhà:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Ngô Huong định cư ở Pháp hơn 20 năm nay. |
“Đối với một người con đất Việt thì khi đi xa nhà đã luôn thấy nhớ nhung rồi, mà mỗi khi tết đến thì cảm giác đó cuồn cuộn, trào dâng khó tả lắm ạ. Càng cận tết tôi càng nhớ và “thèm” cảm giác được cùng mẹ dọn nhà, trang trí mâm ngũ quả, cắm bình hoa, chuẩn bị cúng tổ tiên chiều 30 Tết”. Chị Đỗ Nga, người Việt ở Pháp chia sẻ,
“Tôi thực sự nhớ những bữa cơm gia đình. cũng là ngày Tết nhưng cảm xúc thật khó tả. Một chút cô đơn, một chút hi vọng. Kỳ lạ là những việc mà mình rất ghét khi ở nhà là dọn nhà đón Tết giờ đây lại trở thành nỗi nhớ kỷ niệm khó phai”. Du học sinh Khắc Hoàng tại Hàn Quốc nói.
“Cứ mỗi dịp Tết đến là những kỷ niệm cũ lại hiện về như ngày hôm qua. Hơn 20 năm không được ăn Tết ở quê nhà. Vừa gói bánh lại nhớ đến cảnh ngồi cùng em trai trông nồi bánh đến tận khuya. Quá khứ mờ dần cùng ngọn lửa, chờ lúc lại bùng lên”. Đó là cảm nhận của chị Ngô Hương, kiều bào tại Lyon, Pháp.
Nhớ và nhớ…là nỗi niềm chung của bất cứ người Việt nào không thể trở về vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Có khác chăng là mức độ cảm xúc và cách thể hiện. Buồn chút vậy thôi nhưng thay vì ôm nỗi nhớ nhung đó thì ai nấy cũng đều có cách đón Tết của riêng mình. Năm nay, mọi thứ vẫn khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chị Ngô Hương đang sống tại Lyon- Pháp vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật tươm tất, để các con không được lãng quên cái Tết Việt Nam. Chị Ngô Hương chia sẻ: “Từ 20 năm nay, gia đình tôi ăn Tết rất to với họ hàng và bạn bè Pháp. Nhưng từ 2 năm nay, đón Tết không giống như những năm khác bởi dịch Covid-19. Chính phủ Pháp không cho mọi người tụ họp đông, không được bắn pháo hoa, Tết buồn đi nhiều, nhưng năm nay tôi quyết định sẽ là một năm đặc biệt. Tôi đi chợ Việt mua lá chuối và tự gói bánh chưng”.
Không có lá dong, các chị em dùng lá chuối để gói bánh chưng. |
Cũng bởi ý nghĩa Tết là đoàn viên, sum vầy nên người Việt sống ở nước ngoài luôn muốn tụ họp, gặp mặt để cùng nhau chơi Tết. Chị Đỗ Nga, sống ở thành phố Gothenburg, Thụy Điển cho rằng, Tết là dịp duy nhất để kéo cộng đồng người Việt xa xứ lại gần nhau: “Các gia đình Việt ở Thuỵ Điển năm nay đón Tết đa số chỉ tụ họp theo các nhóm nhỏ, để gói bánh chưng, đi lễ nhà thờ, lễ chùa. Ngoài ra, vì không thể tổ chức hoạt động với số lượng lớn nên bọn tôi đã tổ chức hoạt động giao lưu chủ đề Tết để giới thiệu về Tết Việt cho các bé. Cùng nhau đọc sách Đúng là Tết, tìm hiểu về mâm ngũ quả, bánh chưng, hoa đào, hoa mai; làm thủ công ngày Tết và cùng nhau làm nem cuốn cho món Bún chả giò. Ai ai cũng háo hức.
Mâm cỗ tất niên của nhóm các gia đình Việt ở thành phố Gothenburg, Thụy Điển |
Từ nhỏ đã được bố mẹ dạy bảo tỉ mỉ và tham gia chuẩn bị Tết cho cả nhà, cho nên sống ở Newzeland hơn chục năm nay, chị Huyền Thư vẫn giữ được truyền thống đón Tết Việt. Chị cho rằng, càng sống lâu ở nước ngoài càng trân quý bản sắc văn hóa Việt. Bởi, đó là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc, tạo bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và Tết nguyên đán thể hiện được dường như tất cả những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của người Việt: “Tôi yêu tiếng Việt và ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, tôi muốn gìn giữ chúng trong cuộc sống gia đình.
Tôi tin rằng, việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ là là rất quan trọng đối với người Việt ở nước ngoài. Nói đến ẩm thực, món Việt luôn đem đến cho mình cảm giác tuyệt vời nhất vì chúng gắn liền với ký ức tuổi thơ. Nhiều khi bỏ rất nhiều thời gian để chuẩn bị và nấu nướng, cái chính là do bao thương nhớ mà nó mang lại”.
Huyền Thư (Tăng Huyền Anh), cô gái quê gốc Thái Bình đang định cư ở Newzeland. Ảnh nvcc |
Lại thêm một năm nữa, Hồng Dung, họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, sống ở Mỹ phải đón Tết xa nhà. Cô cho biết, năm 2021 khá suôn sẻ và mọi thứ đi đang theo chiều tích cực nên cô không thấy buồn lắm. Nhờ có công nghệ, mà cái Tết xa quê trở lên gần hơn. Như là, qua màn hình điện thoại, cô có thể nhờ mẹ dạy cách làm mâm cỗ, tuy không chuẩn vị mẹ nấu nhưng vẫn có thể mang đủ hương vị thân quen của nhà mình: “Vào dịp Tết nguyên đán em nhớ nhất món ăn mẹ nấu và đi sắm Tết với mẹ. Em rất thích cảm giác được đi chợ hoa vào sáng sớm với mẹ trong thời tiết se se lạnh và quan sát mọi người tấp nập sắm Tết. Năm nay, do điều kiện chưa cho phép, em không thể về ăn Tết được nhưng em gọi điện nhờ mẹ cách nấu một mâm cỗ để đón Tết với các bạn bên này. Cũng đủ các món ngon".
Vũ Hồng Dung (Julie Vu), họa sĩ, nhà thiết kế thời trang
đang làm việc tại Mỹ. Ảnh nvcc |
Khoảng cách đã không thể ngăn được những trái tim yêu thương. Tết năm nay, mặc dù phải xa nhà nhưng với những con người hiện đại thì Tết này họ vẫn được “đoàn tụ” gia đình, được ở gần bên người thân, bạn bè, Chị Lê Minh Phương, kiều bào Hàn Quốc chia sẻ:
“Để bớt nhớ không khí rộn ràng mỗi khi Tết đến ở Việt Nam, vào đêm giao thừa, ngoài việc mở TV xem Táo quân các năm cũ, tôi gọi điện thoại quay hình cho bạn bè ở các nước và làm một cầu truyền hình thu nhỏ của riêng chúng tôi, cùng kể chuyện năm cũ, mong ước một năm mới và mau chóng được trở về thăm quê hương. Nhờ thế mà cảm thấy mùa đông ở Hàn Quốc đỡ lạnh hơn nhiều”.
"Xuân xuân ơi! Xuân đã về! Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến..." những giai điệu vui tươi đang cất lên rộn rã để chào đón một mùa xuân mới, đón chào một năm mới với nhiều niềm vui, tiếng cười, xua tan muộn phiền và những khó khăn của thiên tai dịch bệnh.
Minh Phương (thứ 2- phải) và các du học sinh người Việt tại Hàn Quốc gói bánh chưng Tết |
Vâng, đón Tết Việt ở nước ngoài, dù không có hoa mai hoa đào, hay lất phất mưa xuân…,nhưng những người con Việt vẫn cảm nhận được sự hòa quyện giữa con người và đất trời ở những thời khắc thiêng liêng nơi quê nhà. Và, luôn nghĩ quê hương, hướng về về tổ tiên và gia đình chính là giá trị tình cảm của người Việt với Tết cổ truyền của dân tộc.