Hải trình của niềm tin

(VOV5) - Trong quá trình tồn tại và phát triển mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ biên giới lãnh thổ trên đất liền và biển đảo, giữ vững chủ quyền đất nước. Trong chuyến hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa của đoàn 200 kiều bào, văn nghệ sĩ và khách mời trong tháng 4 vừa qua, càng thấm thía công sức từ thuở ông cha đến các thế hệ hôm nay đã đổ xuống để giữ gìn vùng biển Tổ quốc rộng trên 1 triệu km2, trải rộng từ phía Đông đến phía Tây đất nước. 


Hải trình của niềm tin - ảnh 1




Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Vượt qua khoảng 1.000 hải lý, trong vòng 10 ngày, đoàn đại biểu và kiều bào ra thăm động viên các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đã đặt chân tới 10 điểm đảo và hai nhà giàn DK1. Ông Tạ Duy Tiến, người Việt ở Thái Lan lần đầu được đến Trường Sa, bùi ngùi: “Tôi thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với kiều bào nước ngoài. Giống như ông cha ngày xưa đã kể cho những lớp kế cận nghe rừng vàng biển bạc thấy rất quý báu và thấy sự cố gắng giữ gìn quần đảo này không phải là dễ, hi sinh cả xương máu, nỗ lực tận tình với Tổ quốc. Đến đây mới thấy thật là ý nghĩa bởi đây là đất của ta, từ ngàn năm ông cha ta đã đánh dấu mốc chủ quyền”.

Trở lại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin trong đoàn đại biểu thăm quần đảo Trường Sa, anh hùng Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng già năm nào, người đã chỉ huy con tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm, đã nhiều lần lau nước mắt khi nghĩ đến đồng đội đã nằm lại giữa lòng biển đảo quê hương.

Bao máu xương, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ cha anh đi trước, để đến thời chúa Nguyễn thế kỷ thứ XVII xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và truyền thống đó, vẫn duy trì qua bao thế hệ, được tiếp nối bởi những người lính, những người dân đang giữ biển đảo hôm nay. Thế hệ tiếp nối những người anh hùng Gạc Ma, Cô Lin năm xưa, có những người chiến sĩ trẻ như chiến sĩ Trần Hữu Binh, quê ở Quảng Bình, công tác tại đảo Song Tử Tây. “Bản thân tôi rất vinh dự tự hào được học tập công tác trên đảo Song Tử Tây. Tuy là cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, mang tình thương và nỗi nhớ gia đình nhưng chúng tôi luôn vững vàng chắc tay súng quyết tâm xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc, xứng danh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ đổi mới”, anh Binh chia sẻ.

Đến Trường Sa, bà con kiều bào nhìn rõ quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”. Sao có thể kìm lòng được khi nghe những câu thơ mang âm hưởng đồng dao gắn với chủ quyền của đất nước của Phạm Xuân Nguyên được vang lên trên môi công dân tí hon trên đảo Sinh Tồn: “Nu na nu nống - Đánh trống phất cờ - Biển cả xa mờ - Có hai quần đảo - Hoàng Sa, Trường Sa - Tên gọi thiết tha - Trong lòng dân Việt - Hoàng Sa, Trường Sa - Nu na nu nống”.

Nhìn thấy các mầm non trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, bà Phùng Tuệ Châu, một cựu luật sư của chế độ Việt Nam cộng hòa, đã khóc thật lớn. Bà nghẹn ngào tâm sự: “Ấn tượng của chúng tôi là khi tôi gặp được các anh bộ đội còn rất trẻ. 18, 20 ngồi bên cạnh tôi, tôi khóc, tôi không ngờ họ là những người đã hi sinh để bảo vệ cho tổ quốc của chúng mình. Tôi không biết làm thế nào để tri ân họ, cám ơn họ. Rất là cao đẹp mà mình không thể nào nhìn thấy được ở hải ngoai, chỉ có trở về quê hương của chúng ta, trở về trên mảnh đất này mình mới nhìn thấy những sự hi sinh của quân đội nhân dân để bảo vệ chủ quyền của biển đảo”.

Trong đoàn cũng có một số thành viên khác đang sinh sống ở Mỹ, ít có dịp về Việt Nam, chỉ thường xuyên nghe, tin và ủng hộ tích cực cho những thông tin một chiều, bịa đặt, không có cơ sở về đất nước. Ngày đầu bước chân lên tàu ông David Nguyễn, còn được gọi là Đức “đầu bạc”, từng khẳng định: “tôi là người chống cộng tuyệt đối”, đã nói rằng, “tôi đi chuyến này chỉ để tìm hiểu một sự thật xem quần đảo Trường Sa có còn là của Việt Nam hay không?”. Chuyến thăm quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 2014 đã làm thay đổi hẳn cách nhìn nhận của ông khi sống nhiều năm trong vòng bưng bít luẩn quẩn, bịa đặt của một nhóm người Việt chống đối tại Houston. Ông David Nguyễn đã bật khóc khi nhìn thấy sự thật về nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam: "Từ hôm về đây đến nay, tôi đến rất nhiều đảo và tận mắt thấy được những đảo lớn như đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca có sự sinh hoạt. Đặc biệt ghé ngang qua đảo Sinh tồn, được nhìn thấy sự sinh tồn hoàn toàn của người Việt, rất là vui mừng. Tôi sẽ truyền đạt về bên Mỹ rằng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, vẫn là chủ quyền của Việt Nam”.

Trong hành trình này, ông David Nguyễn đã song hành cùng ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào ở CHLB Đức, cho ra đời bài hát “Hoàng Sa, Trường Sa ơi, chúng con đã về đây”. Hai mái đầu bạc ở hai bờ chiến tuyến khi xưa nay chụm lại, cùng say sưa hát giữa sóng gió biển Đông. Cảm thấy bị mắc nợ với quê hương, ông David Nguyễn có nguyện vọng vào một ngày không xa được trở lại Trường Sa.

Cùng ở Mỹ về tham gia hải trình này, ông Nguyễn Văn Đồng cũng hiểu ra sự thật về cái gọi là “dâng đất bán biển” được tuyên truyền trong một bộ phận người Việt ở thành phố Houston: “Mục đích của tôi đến Trường Sa là vén màn sự thật. Vì báo ở hải ngoại, báo của những người cực đoan nói rằng chính phủ Việt Nam đã dâng đất, dâng đảo Trường Sa cho Bắc Kinh rồi. Do đó hôm nay tôi tới đây để thấy sự thật. Và tôi thấy đây là vùng biển trời Việt Nam. Tôi về chia sẻ với đồng bào ở hải ngoại. Tôi xin tri ân các bộ đội ngày đêm trấn giữ biên cương”.

Bà Nguyễn Nguyệt Rạng, một thân hữu của Việt Tân, ở quận Cam, không biết đã khóc bao nhiêu lần khi đến thăm các đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông. Đến đảo Song Tử Tây, bên tiếng chuông chùa văng vẳng, bà nói rằng: “Tôi đến đây, tôi thấy chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn ở biển đảo. Điều tôi xúc động là những người đang giữ biển ở đây, những thanh niên còn quá trẻ. Những cán bộ sống ở đây, tôi mong họ được bình yên từng giờ từng phút”.

Ông Nguyễn Ngọc Lập, cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa, đang sống tại California, Hoa Kỳ, lần đầu tiên trở về Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cũng là lần đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên biển Đông. Tham gia những hoạt động diễn ra từ ngày đầu đặt chân lên tàu đến khi kết thúc cuộc hành trình, suy nghĩ của người cựu thiếu úy có khác đi. “Chúng tôi là Việt kiều xa quê hương, hay còn gọi là khúc ruột ngàn dặm. Chúng tôi đã từng theo tây. Tây có phải là giặc không? Ba tôi theo tây tức là giặc, Mỹ là giặc, tôi theo Mỹ tức là theo giặc. Bác Hồ Chí Minh đã tha cho Ngô Đình Diệm và Chính phủ cộng sản Việt Nam đã tha cho tôi”, ông tâm sự.

Và ông Nguyễn Ngọc Lập đã phát biểu trong buổi văn nghệ trên tàu: “Trên sân khấu chính trị, tôi đã trở thành một diễn viên tồi, đã chống lại Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi xin lỗi tất cả quý vị và quê hương đất nước. Tôi làm câu thơ như thế này: “Vũ trụ có mặt trời. Việt Nam có đảng sáng ngời niềm tin”. Hoan hô Đảng cộng sản Việt Nam".

Hải trình đến với Trường Sa lần này, với nhiều người trong đoàn kiều bào, có một ý nghĩa thật đặc biệt. Đó là hải trình để cảm nhận sức trẻ của Tổ quốc. Hải trình của niềm tin./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác