(VOV5) - Bằng hành động thiết thực nhất, những gì họ “mang về” đều hàm chứa khát vọng làm cho Việt Nam hội nhập tốt hơn với thời đại công nghệ số và của trí tuệ nhân tạo.
Họ, những trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài có cơ hội trải nghiệm học tập, làm việc ở những môi trường hiện đại bậc nhất thế giới. Mỗi khi nhìn về quê hương, họ đều mong muốn mang về kiến thức, công nghệ tiên tiến của thế giới ứng dụng cho sự phát triển ở Việt Nam. Bằng hành động thiết thực nhất, những gì họ “mang về” đều hàm chứa khát vọng làm cho Việt Nam hội nhập tốt hơn với thời đại công nghệ số và của trí tuệ nhân tạo.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều năm trải nghiệm tại các tập đoàn danh tiếng quốc tế như Hitachi (Nhật Bản) và hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), Tiến sĩ (TS) Nguyễn Xuân Phong càng thấy rõ tầm quan trọng cũng như những lợi ích mà ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại đối với sự phát triển của một đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng CN 4.0 hiện nay.
Vì thế, Xuân Phong luôn tận dụng nhiều nhất có thể những cơ hội để tạo sự kết nối với đối tác quốc tế, để Việt Nam được tiếp cận những kiến thức mới nhất về công nghệ, những giải pháp tiên tiến nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) cho sự phát triển đất nước.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa FPT và Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Mila. Xuân Phong ( đóng vai trò kết nối |
Mới đây, trong vai trò kết nối, TS Xuân Phong đã giúp FPT trở thành tập đoàn công nghệ đầu tiên ở Đông Nam Á ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về công nghệ của Mila. Theo TS Phong, tiềm năng phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là vô cùng lớn: “Với sự hợp tác chiến lược này, phía FPT sẽ nhận được nhiều lợi ích như cùng với viện Mila nghiên cứu phát triển năng lực AI, sẽ cùng MILA tư vấn trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam, cùng với đó, MILA sẽ hỗ trợ cho sự phát triển tài năng AI của Việt Nam. MILAcũng nhận được những sự phát triển AI ở Việt Nam giúp, MiLA mở rộng hơn nữa mục tiêu về truyền bá kiến thức về AI ra toàn thế giới.”
Nhận thấy Việt Nam có một nền tảng tốt để tiến tới làm chủ công nghệ về AI đặc biệt về mảng giáo dục, Xuân Phong còn cộng tác với Bộ giáo dục và đào tạo về phát triển phương pháp “Hoc sâu”, hỗ trợ đào tạo kỹ sư IT, tạo sân chơi “Đấu trường học tăng cường” nhằm truyền cảm hứng về nghiên cứu thuật toán và trí tuệ nhân tạo cho các bạn trẻ.
TS Lê Thắm, nghiên cứu sinh trường Johns Hopkins University ( Hoa Kỳ) trình bày về ứng dụng của Big Data trong y tế tại một diễn đàn ở Hà Nội 2019.- Ảnh HL |
Là một trong những xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0,dữ liệu lớn (Big Data) ngày được nhắc nhiều trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam. Đặc biệt, trong ngành y tế, nơi có lượng dữ liệu được tạo rất lớn, thì vấn đề đặt ra làm sao để khai thác, sử dụng “mỏ dầu” thông tin này hiệu quả, nhằm hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, sức khỏe y tế tại Việt Nam. Đó cũng là trăn trở của Tiến sĩ Lê Thị Thắm, nghiên cứu viên trường Đại học Johns Hopkins và Marylands (Hoa Kỳ):
“Hiện những nghiên cứu tôi vừa mới chỉ ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh ở Mỹ, đang xem có phù hợp với Việt Nam không?. Các quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu họ có nhiều năm phát triển hệ thống y tế có thể thu thập dữ liệu lớn từ các nhà chi trả bảo hiểm hay các bênh án điện tử. Tôi nghĩ, để xây dựng tốt hệ thống Big Data trong chăm sóc y tế, Việt Nam phải có hệ thống bệnh án điện tử. Bản thân khi trở về Việt Nam, tôi muốn tìm hiểu cơ hội và làm sao kết hợp với đồng nghiệp để sử dụng hiệu quả kỹ năng, kiến thức của mình về Dữ liệu lớn và Big Data trong Healthcare". Lê Thị Thắm chia sẻ,
Với những trí thức trẻ người Việt, việc đem tiến bộ công nghệ tiên tiến về ứng dụng như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam luôn là bài toán khó. Vì thế, họ hiểu rằng, phải trực tiếp trở về để tìm hiểu và sâu sát thực tế. Là chuyên gia về môi trường, TS Nguyễn Duy Đạt nhận thấy, Việt Nam có mức độ ô nhiễm thuộc loại cao nhất thế giới nhưng trong nước có rất ít nghiên cứu đo lường về lĩnh vực này.
Từ Đài Loan, Đạt quyết định trở về dành toàn tâm cho công trình thử nghiệm đo lường chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thiếu nguồn tài trợ, Duy Đạt cùng cộng sự phải xoay sở mọi thứ để xây dựng phòng Lab: Đối với những thiết bị hiện đại, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học, trí thức ở trong và ngoài nước: Tôi đang cố gắng tận dụng mọi nguồn tài trợ để xây dựng lab, sẽ tìm mọi cách connect các bạn ở Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Singapore hợp tác theo từng mảng. Như vừa rồi, không khí ở Việt Nam bị ô nhiễm không khí tăng cao đột biến, tôi nhờ các bạn có chuyên môn truy cập vào hệ thống của NASA xem lý do tại sao. Ở mảng này,Việt Nam mình còn thiếu mọi thứ, nên mình phải tận dụng kết nối nhiều nhất có thể”
Nguyễn Duy Đạt tại phòng thí nghiệm ở Đài Loan ( Trung Quốc). - Ảnh nhân vật cung cấp. |
Gặp nhau ở tầm nhìn và khát vọng, những trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài đang góp nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước, đề xuất các sáng kiến, giải pháp, hướng đi mới cho chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, như chia sẻ sau đây của Tiến sĩ chuyên gia về nông nghiệp Nguyễn Tài Kỳ, người Việt tại Australia: “Tôi đang làm việc với Bộ khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bàn những ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Qua diễn đàn trí thức trẻ, tôi cũng kết nối thêm được nhiều bạn trẻ có cùng ý tưởng. Khi nào những dự án giữa Australia và Việt Nam được triển khai, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn cho phía Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang tìm kiếm sự hợp tác với rất nhiều các địa phương ở Việt Nam về ứng dụng mô hình phát triển nông nghiệp thông minh. Những nơi nào thật sự cần, mình sẽ tiếp cận họ ngay, cùng phân tích với họ và cùng nhau bắt tay làm’.
Gặp nhau và hôi tụ tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019.- Ảnh HL |
Đánh giá cao tài năng, tâm huyết và đóng góp thiết thực của những người Viêt trẻ ở nước ngoài, các tập đoàn Việt lớn như Vingroup, Viettel, FPT, TH Truemilk…đang có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để mời gọi họ trở về mang giấc mơ, khát vọng góp sức làm nên những thay đổi diệu kỳ cho Việt Nam.