(VOV5) - Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước phấn đấu đưa 110 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời cục quản lý lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ, tiếp nhận lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ảnh minh họa: VOV |
Để đạt mục tiêu đề ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động, với các nước tiếp nhận; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: "Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như hướng dẫn cho các Ban quản lý lao động để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp trong việc tiếp tục triển khai các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài về: Các thủ tục, hỗ trợ cho người lao động khi nhập cảnh cũng như đối với lao động hết hạn hợp đồng…thông qua đó cũng sẽ tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phối hợp với các địa phương tạo nguồn lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài. Một việc nữa là chúng tôi thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường lao động có điều kiện làm việc tốt, an toàn, thu nhập cao cho người lao động; trao đổi, đàm phán, ký hiệp định để đảm bảo các quyền và lợi ích của người lao động cũng như có những biện pháp hỗ trợ kịp thời khi có vấn đề phát sinh".
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng tập trung triển khai các giải pháp đối với các thị trường tiếp nhận lao động chất lượng cao; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo và chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chú trọng nguồn lao động có tay nghề.
Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm: "Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai một số chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, như: Australia, Nhật Bản, Đức; nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là đưa lao động có trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngoài nước. Qua đó, nâng cao vị thế của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác gắn kết các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có định hướng cũng như tạo nguồn lao động, chuẩn bị nguồn lao động có chất lượng cao, trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng được kỳ vọng mà chúng ta đang đề ra".
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, đã đưa hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 159% kế hoạch. Trong đó, lao động đi làm việc tập trung tại một số thị trường chính như: Nhật bản; Đài Loan (Trung Quốc); Hàn Quốc…