(VOV5) - Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu giúp nâng cao niềm tự hào của người dân Việt ở nước ngoài.
Người Việt dù sống ở đâu vẫn luôn nhớ về công ơn tổ tiên, cội nguồn. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và niềm tự hào và tự tôn dân tộc, ý tưởng Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” ra đời và đang được bà con kiều bào ủng hộ.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm về Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu tại Hội báo toàn quốc 2019 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lịch sử Việt Nam mở đầu với thời kỳ Hùng Vương lập ra nhà nước Văn Lang. Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt. Biết ơn “các Vua Hùng đã có công lập nước”, năm 2015, ý tưởng và Dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' ra đời với mục đích bảo tồn “Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận; Đối thoại, hội thảo/tọa đàm khoa học, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới… TS Nguyễn Thị Bích Yến, người Việt ở Cộng hòa Áo, một trong những người sáng lập dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, cho biết dự án được Chính phủ và đông đảo kiều bào đồng tình và qua đó nâng cao niềm tự hào của người dân Việt ở nước ngoài: “Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” vừa được Thủ tướng và văn phòng Thủ tướng ra một chỉ thị và một công văn là sẽ tiến hành nâng cấp đề tài này thành đề tài cấp quốc gia. Chúng tôi rất vui và rất xúc động”.
Năm 2018, Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất tổ chức thành công tại bốn nước khu vực châu Âu, đó là: Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Hungary và Đức. Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài hướng về đất Tổ.
Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018, Hội Đồng hương Phú Thọ tại Cộng hòa Séc dâng lễ vật lên các vua Hùng. - Ảnh: TTXVN |
Tại Praha, lễ Giỗ Tổ do Hội đồng hương Phú Thọ cùng Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Liên hiệp các hội người Việt Nam tại châu Âu đồng thực hiện thu hút hơn 1.000 lượt người Việt cùng bạn bè Séc tham dự. Sau phần nghi lễ là phần hội với nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, giới thiệu đặc sản vùng miền của quê hương, thi gói bánh chưng… Lễ giỗ tổ tại CHLB Đức cũng tạo nhiều ấn tượng với các nghi thức truyền thống, trong đó có hình tượng của 18 đời Vua Hùng, lễ dâng hương, đọc văn tế và cầu cho quốc thái dân an. Còn tại thủ đô Budapest, Hungary, GS Bùi Minh Phong cho biết nhân ngày Quốc tổ Hùng Vương, Hội đồng hương Việt Nam và Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary đã tổ chức một hội thảo khoa học nhằm quảng bá giá trị văn hóa tâm linh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế: “Năm ngoái ở Hungary, qua hoạt động của Hội trí thức thì chúng tôi tổ chức hội thảo chuyên đề về ngày Quốc tổ. Hội thảo này là cơ hội để mọi người tìm hiểu hơn về ngày giỗ tổ Hùng Vương và qua đây cũng để gắn bó tình cảm với quê hương đất nước. Nhân dịp đó, cũng có những nhà thơ, nhà văn tham dự tọa đàm với các ý kiến rất phong phú. Bà con cộng đồng thấy rằng những sinh hoạt như vậy hết sức bổ ích. Năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đó như là một hoạt động hướng về quê hương, đất nước”.
Kiều bào tưởng nhớ các Vua Hùng trên tàu KN 491 tại quần đảo Trường Sa.
|
Cũng trong năm 2018, vào đúng ngày 10/3 âm lịch, trên chuyến tàu chở kiều bào của 24 quốc gia trên thế giới ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Anh Dư Hồng Quảng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, phát biểu trước hơn 200 cán bộ, chiến sỹ hải quân, và kiều bào bày tỏ niềm xúc động trong lần đầu tiên được tham dự Giỗ Tổ trên vùng biển trời của Tổ quốc và mong muốn ngày Quốc tổ Việt Nam được lan tỏa ra khắp năm châu.
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Ba Lan năm 2018
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, kiều bào Ba Lan, đi trong đoàn cho biết: “Tôi ở Ba Lan thì thấy rằng cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương cho bà con, cũng làm như thế này. Nhưng thực sự, ở Việt Nam, nhưng lại ở chính nơi biển đảo xa này cảm giác vô cùng tuyệt vời và thật sự vinh hạnh đối với tôi”.
Năm nay, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động dự án ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước: CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, tổ chức "Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ II”. Ngay từ đầu tháng 4, một tọa đàm khoa học với chủ đề: “Kiều bào với Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” đã diễn ra tại Vientiane, Lào. TS Trần Anh Tuấn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Vào dịp Quốc giỗ không những trong nước mà đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước. Đây là truyền thống của dân tộc ta. Và đối với kiều bào, đây là tâm nguyện hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc. Đó cũng là điều tự nhiên. Nhưng mà, chúng tôi nghĩ rằng nếu có sự thống nhất về kịch bản nào đó để kết nối đồng loạt trong dịp tháng ba này. Ở các nước, bà con kiều bào cùng đồng lòng thì tôi nghĩ là sức mạnh, giá trị của lễ hội này còn lớn hơn rất nhiều nhằm kết nối dân tộc Việt Nam từ trong nước ra đến nước ngoài”.
Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu mang ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới hướng về cội nguồn của dân tộc Việt, giúp bà con kiều bào thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và còn để giáo dục thế hệ trẻ gốc Việt ý thức hướng về quê hương, đất nước. Ban dự án mong mỏi Ngày quốc tổ Việt Nam toàn cầu sẽ tiếp tục lan tỏa được giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam ra thế giới.