(VOV5) - Trong nghiên cứu, tiến sĩ Kim Anh cũng chỉ ra, việc phân tích mẫu đất và xử lý ảnh vệ tinh là yếu tố quyết định độ chính xác của chỉ số.
Vượt qua gần 400 nghìn bài nghiên cứu trên nhiều tạp chí khác nhau, nghiên cứu đánh giá những chỉ số nhiễm mặn khu vực sông Mekong từ năm 2017 của Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và cộng sự nhận giải thưởng "Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021" do tạp chí Progress in Earth and Planetary Science (PEPS) của Nhật Bản xét duyệt hồi tháng 6.
Công trình có tới 18 nghìn lượt đọc/tải trong một năm là do tính thời sự của nghiên cứu và đưa ra một phương pháp đánh giá nhanh, chính xác tình hình nhiễm mặn bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh viễn thám. So với phương pháp truyền thống, cách dùng ảnh vệ tinh không tốn thời gian đo thực địa nhưng vẫn giám sát gần với thời gian thực, không giới hạn về phân tích thời gian, không gian, chi phí thấp và độ chính xác cao.
Trong nghiên cứu, tiến sĩ Kim Anh cũng chỉ ra, việc phân tích mẫu đất và xử lý ảnh vệ tinh là yếu tố quyết định độ chính xác của chỉ số, bởi dữ liệu thường hạn chế do mây phủ. Nhóm đã lọc nhiễu để loại bỏ yếu tố ngoại cảnh khí hậu, thời tiết, từ đó tăng chất lượng hình ảnh và độ chính xác khi đánh giá. Sau đó kết hợp công cụ phân tích chuyên dụng để tính toán, trích xuất các chỉ số từ ảnh vệ tinh.