Người Việt ở Đức trong đại dịch Covid 19: Bình tĩnh sống

(VOV5) - Chính phủ CHLB Đức đã có những ưu tiên giải quyết tình hình kịp thời cả về kinh tế - xã hội để đối phó với dịch bệnh.

CHLB Đức hiện đang ở tâm dịch Covid Châu Âu. Nhưng là một quốc gia hàng đầu Châu Âu và có hệ thống hạ tầng y tế tốt, chính phủ CHLB Đức đã có những ưu tiên giải quyết tình hình kịp thời cả về kinh tế - xã hội để đối phó với dịch bệnh, với mục tiêu làm chậm sự lây lan của dịch bệnh Covid 19 để không quá tải hệ thống y tế và chờ vắcxin phòng ngừa. Điều này góp phần giúp người Việt vùng tâm dịch bình tĩnh tuân thủ các quyết định của nhà nước Đức.

Đây là ghi nhận của nhiều người Việt tại các vùng khác nhau của nước Đức khi trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Việt ở Đức trong đại dịch Covid 19: Bình tĩnh sống - ảnh 1Nhà báo Võ Thiên Nga. 

Nhà báo cộng đồng Võ Thiên Nga hiện sinh sống tại Dresden, bang Sachsen cho biết: "Nước Đức hiện tại đang là tâm dịch nhưng đồng bào Việt Nam ở đây nói chung rất bình tĩnh. Có mấy lý do: Thứ nhất là hệ thống y tế và an sinh của Đức tốt. Thứ hai bản thân người Đức cũng rất bình tĩnh, nên không khí hoảng loạn không có như những nước khác. Bản thân tôi và bà con mình ở đây trước tất cả những quy định của Nhà nước trong vấn đề chống dịch phải làm như thế nào, lệnh phong tỏa đến đâu thì chúng tôi cũng thực hành y như vậy. Khu vực của tôi ở thành phố Dresden và bang Sachsen hiện tại khá yên bình, vì ở đây tỷ lệ mắc bệnh so với nước Đức thì chưa phải là quá cao."

Chị Võ Thiên Nga cho biết người Việt ở Dresden đang sống và vùng lân cận có khoảng hơn 3000 người. Đây là một cộng đồng nhỏ so với Berlin, tuy nhiên cũng có nhiều hội đoàn và hoạt động khá sôi nổi. Và hiện nay khi dịch bệnh xảy ra mọi người vẫn kết nối với nhau qua mạng xã hội hay điện thoại.  

Người Việt ở Đức trong đại dịch Covid 19: Bình tĩnh sống - ảnh 2Chị Nguyễn Thi Nga.

Chị Nguyễn Thi Nga, hiện sinh sống tại thành phố Chemnitz, nơi có khoảng 1000 người Việt trên 250 ngàn dân chia sẻ: "Trong 250 ngàn dân mới có khoảng 30 người bị nhiễm Covid và chưa có người Việt. Người Việt Nam ở đây có thông tin cộng đồng, thông tin tiếng Việt rất kịp thời. Hàng hóa sinh hoạt hằng ngày cửa hàng phục vụ đầy đủ, người dân rất bình tĩnh. Người dân Đức và người Việt Nam tuân thủ tất cả mọi quy định của Nhà nước rất tốt, hạn chế ra ngoài đường không tụ tập. Đấy là những điều mà chúng tôi cảm thấy rất yên tâm. Hai nữa là chúng tôi rất tin tưởng với ngành y tế ở đây. Có mạng internet, chúng tôi liên lạc với nhau, động viên nhau cùng tuân thủ mọi quy định của Nhà nước, cũng vừa là tự giúp mình vừa là cùng chính phủ phòng chống dịch bệnh."

Người Việt ở Đức trong đại dịch Covid 19: Bình tĩnh sống - ảnh 3 Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền.

Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền, hiện sống tại Berlin, trong những ngày qua đã dịch hai bài phát biểu quan trọng của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel ra tiếng Việt phổ biến cho cộng đồng. Ông cho biết: “Hiện có khoảng hơn 20 nghìn người Việt sống ở Berlin trên tổng số 3,5 triệu dân. Khi dịch xảy ra, dân Đức bình tĩnh không có biểu hiện của hoảng loạn vì dân trí cao và tin tưởng vào chính quyền, hầu như không có vi phạm lệnh giới nghiêm. Hàng hóa được cung cấp đầy đủ nên nạn mua tích trữ không xảy ra đáng kể, và dân Đức cũng không có hiện tượng kỳ thị đáng kể với dân châu Á. Lời hiệu triệu của thủ tướng Đức Angela Merkel là làm sao để tốc độ lây lan giảm mạnh, chờ có thuốc đặc chủng điều trị và chờ Vắc xin phong ngừa (khoảng 6 tháng nữa). Chính phủ Đức đã có gói cứu trợ lớn giúp các doanh nghiệp, bệnh viện trong cuộc khủng hoảng này, người Việt có đăng ký kinh doanh chính thức cũng sẽ được hưởng tiền trợ giúp. Vì thế, thời kỳ đầu một số người nghĩ con được nghỉ học, cửa hàng bị đóng nên tận dụng thời gian này về thăm Việt Nam, chứ không phải về tránh dịch, nhưng khi có tin về Việt Nam sẽ phải cách ly 14 ngày, thì nhiều người đã thay đổi ý định.”

Cũng theo nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền, "số người Việt làm việc không đăng ký vì chưa có giấy tờ hợp pháp cuộc sống sẽ rất khó khăn trong thời gian tới".."Từ một tuần nay thì cao điểm của dịch và tất cả các cửa hàng cho các nhà trường đóng cửa hết. Tôi thường thường đi dạy hiện giờ ở nhà. Người ta khuyên nếu ai bắt buộc phải ra khỏi nhà thì phải giữ khoảng cách ít nhất 2m. Và người ta cũng không khuyến khích, không bắt buộc đeo khẩu trang, vì quan điểm người ta khác một chút: người ta ở nhà. Người Việt mình có người lo sợ, có người chủ quan, cũng như mọi nơi thôi. Nhưng người Việt chưa đến nỗi, người ta chỉ lo công việc bị gián đoạn và dịch thì khó khăn cho chuyện làm ăn thôi”

Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long, hiện cũng định cư tại Berlin chia sẻ thêm: "Cộng đồng người Việt thì có những người tình nguyện, nếu ai có nguy cơ lây nhiễm thì có thể có những người đi phiên dịch cho những người không biết tiếng. Trong các bệnh viện thì có thể người ta cũng cần những người phiên dịch giúp đỡ."

Họa sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh, người Việt hiện đại sinh sống tại thành phố Erlanger bang Bayern - là bang đầu tiên của Đức có lệnh giới nghiêm - cho biết  dù phong tỏa, nhưng cuộc sống của người dân vẫn rất tốt, vẫn thanh bình:  "Tất cả những người làm hãng nếu có thể làm việc tại nhà, những người không thể làm việc tại nhà sẽ nhận 60 % lương. Nhiều bệnh nhân từ Pháp gần biên giới với bang Bayern Đức cũng được chữa bệnh tại Đức, vì Pháp thiếu giường bệnh."

Người Việt ở Đức trong đại dịch Covid 19: Bình tĩnh sống - ảnh 4Người mua hàng trong siêu thị của thành phố Erlanger tự giác đứng xếp hàng trả tiền cách nhau 1,5m theo vạch chỉ dẫn dưới sàn nhà siêu thị. (Đức khuyến cáo về phòng tránh dịch Covid 19: đeo khẩu trang tránh được 10%, rửa tay thường xuyên 20%, khoảng cách với người khác từ 1,5 m trở lên tránh được 70%) - Ảnh: Fb Erlanger Nachrichten  

Lý giải về sự vững tâm của cộng đồng Việt tại Đức cũng như người Đức, nhà báo Võ Thiên Nga cho biết, còn một phần lý do là sự an tâm về mưu sinh: “ Chỉ riêng nước Đức thì bảo trợ xã hội rất lớn, bây giờ Chính phủ lại có nguồn hỗ trợ lớn để cho mỗi người dân có thể có tiền sinh sống để vượt qua giai đoạn này.” Theo chị Võ Thiên Nga, tại Đức "có sự bảo trợ của nhà nước cho công dân về tài chính. Không chỉ gói cứu trợ lịch sử của chính phủ liên bang lên tới 550 tỷ € ngoài ra còn các tiểu bang. Với sự bảo trợ về tài chính như thế nên cộng đồng người Việt cũng như nhân dân Đức khá bình tĩnh trong việc thực hiện chính sách và lệnh phong tỏa của chính quyền."

Tin liên quan

Phản hồi

Mai xuân thủy

Tinh hình hiện tại ok nhưng hơi buồn vì ko được lựợn lờ

Hoa graf tran

Chuẩn lắm , xin cảm ơn các nhà báo đã gắn bó tình cảm cùng cộng đồng

Các tin/bài khác