Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việt Nam là một quốc gia ven biển, người dân sống gắn bó hàng ngàn năm với biển cả và có lợi ích sống còn từ biển. Vấn đề chủ quyền quốc gia trên bộ cũng như trên biển chưa bao giờ là xưa cũ, cũng như trong tình hình hình hiện nay, khi Trung Quốc có những hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính.
Trong những nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước tại biển Đông, không chỉ chính quyền, người dân trong nước mà cả những người Việt Nam ở nước ngoài, đã có những thành động thiết thực tham gia vào công cuộc đó.
Công cuộc Trần Thắng sưu tập, triển lãm những bản đồ của thế giới và Trung Quốc chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã được người dân Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu thế giới biết đến trong suốt mấy năm vừa qua.
Anh Trần Thắng với một trong số các bản đồ quý về Hoàng Sa, Trường Sa mà anh sưu tập - Ảnh: Nvcc |
Vốn làm việc cho công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney của Mỹ, anh Trần Thắng cũng đã sáng lập và hiện là Chủ tịch Viện văn hóa - giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York, với mong mỏi phát huy giáo dục Mỹ tại Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các ÐH Mỹ.
Và câu chuyện tìm kiếm bản đồ khẳng định chủ quyền của tổ quốc, được anh thuật lại, khi nghe được thông tin Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng tặng bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trên tấm bản đồ này, mốc giới xa nhất của Trung Quốc ở phía nam thời đó chỉ đến đảo Hải Nam.Tấm bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đã gián tiếp khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc:
Anh kể: “Bắt đầu từ tháng 8/2012, khi đó tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng đưa ra một bản đồ nhà Thanh, lúc đó tôi có suy nghĩ nếu ở nước nhà có bản đồ này, thì ở bên Mỹ mình tìm kiếm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây phát hành để chứng minh lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế tôi tiến hành sưu tầm.
Trong bộ sưu tầm có hai phần: phần về Trung Quốc và bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa. Trong thời gian 6 tháng từ tháng 8/2012 đến tháng 3, tháng 4 năm 2013 thì tôi sưu tập được khoảng 80 bản đồ Trung Quốc, 50 bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa và 20 bộ bản đồ về Trung Quốc.
Đặc biệt trong số bản đồ về Trung Quốc thì có 3 cuốn sách Atlas rất quý hiếm do Trung Hoa phát hành từ 1908 đến 1933. Phần bản đồ Trung Quốc hầu hết do các nước phương Tây hoặc Trung Hoa phát hành đều nói chung một ý chính là miền nam Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.
Sách Atlas - Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, Tổng cục Bưu chính, Bộ Giao thông, Trung hoa Dân quốc, 1919 (62cm x 38cm). Sách có 29 bản đồ, viết bằng 3 ngôn ngữ Trung hoa, Anh, Pháp, cho thấy cương vực của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. |
Còn bản đồ Hoàng Sa thì hầu hết quần đảo Hoàng Sa nằm sát thềm lục địa Việt Nam do các nước phương Tây phát hành. Vì ngày xưa người ta xây dựng bản đồ trên trí nhớ chứ không phải dựa trên vĩ độ, kinh độ, nên khi đi giao thương quần đảo đó gần nước nào thì họ mặc định nó thuộc về nước đó. Vì dụ có một bản đồ Hoàng Sa rất quý hiếm và có giá trị pháp lý, đó là bản đồ của Giáo sư, Viện trưởng Viện địa lý Hoàng gia Bỉ Phillipe Vandermaelen" - Anh Trần Thắng nói.
Được sự động viên của bạn bè, các nhà nghiên cứu, học giả, anh Trần Thắng đã không quản thời gian, tiền bạc sưu tầm 150 bản đồ cổ Trung Hoa, bản đồ Hoàng Sa và 3 sách atlas Trung Hoa chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam.Trần Thắng cho biết, trong 150 tấm bản đồ anh sưu tập, các nước phương Tây hay Trung Quốc vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980 cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Trong đó, bộ Atlas được các nhà nghiên cứu đánh giá cực kỳ quý giá là “Trung Hoa bưu chính dư đồ”, do Tổng cục Bưu chính (Bộ Giao thông) Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 tại Nam Kinh; cũng như bộ tái bản năm 1933. Các tập bản đồ này đều chỉ thừa nhận cương vực phía nam Trung Quốc đến đảo Hải Nam, chưa bao giờ đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bản đồ của nhà địa lý học người Bỉ Phillipe Vandermaelen. |
Hay bản đồ của nhà địa lý học người Bỉ Phillipe Vandermaelen gồm 6 cuốn Atlas - bản đồ thế giới năm 1827. Phần bản đồ Châu Á có hai trang nói về Việt Nam. Trong đó, có bản đồ về Hoàng Sa và giới thiệu về đất nước An Nam (tên gọi Việt Nam theo cách người phương Tây). Trần Thắng cho biết đây là một trong số rất ít bản đồ tính vào thời điểm đó vẽ một cách tuyệt đối chính xác kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa, là một bằng chứng hùng hồn, và có giá trị pháp lý quốc tế cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với đóng góp này, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy Ban biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Ðà Nẵng. Anh nói, với sự hợp tác từ các cơ quan hữu quan trong nước, anh cũng không ngờ thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam qua những tấm bản đồ cổ này có sức lan tỏa lớn đến như thế:: “Sau khi tôi sưu tầm bản đồ thì gửi về thành phố Đà Nẵng. Cuộc trưng bày đầu tiên vào tháng 1/2013 cộng với một số hồ sơ cũ đã tạo nên sức lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.
Sau đó Bộ Thông tin – Truyền thông vào cuộc, dùng tài liệu của tôi và một số tư liệu của Bộ Thông tin truyền thông, xây dựng chương trình triển lãm Biển đảo Việt Nam. Chỉ tính trong khoảng thời gian 2014, 2015 đã có trên 100 cuộc triển lãm về biển đảo, hải đảo Việt Nam để tạo nhận thức cho người dân về chủ quyền biển đảo.”
Thời gian đầu, khi tham gia các hội thảo quốc tế về biển Đông, anh Trần Thắng nhận ra còn chưa có nhiều sách hoặc công trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng tiếng Anh được phát hành rộng rãi. Điều này khiến các học giả quốc tế than phiền rằng họ không có tài liệu để nghiên cứu. Vì thế, anh đã tổ chức trưng bày những bản đồ cổ này tại các trường đại học Mỹ, cũng như tặng lại bản chụp cho họ: “Tôi gửi hết bộ sưu tập cho các trường Đại học để các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về biển Đông hay Việt Nam thì họ có tư liệu để nghiên cứu. Hoặc HTV làm chương trình Biển đảo Việt Nam cội nguồn từ bao đời, 5 tập toàn bộ chương trình về biển đảo Việt Nam rất hay, có ba ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung thì tôi cũng gửi hết cho các trường đại học này để người ta có thêm tư liệu tham khảo và nghiên cứu”. – Anh chia sẻ.
Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí, Trường Đại học Connecticut. Sau này anh làm việc cho hãng sản xuất động cơ máy bay danh tiếng Pratt & Whitney.
Là cháu họ nhà thơ Tế Hanh, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn hóa, Trần Thắng vẫn thiết tha đóng góp cho Việt Nam bằng việc thành lập Viện Văn hóa giáo dục, giới thiệu sự giàu có nội hàm của văn hóa Việt Nam tới người nước ngoài. Là nhà sưu tập cổ vật có hạng, nhưng việc sưu tập bản đồ với Trần Thắng, thực sự xuất phát từ tình yêu thiết tha với Tổ quốc: “Tôi về Việt Nam từ rất sớm, từ năm 1998. Có nhiều việc làm nho nhỏ, mỗi năm về có một dự án khác nhau, thì mình cũng có nhận thức, có sự dấn thân đóng góp cho Việt Nam qua những công việc khác nhau, trong khả năng mình có thể làm được. Công việc sưu tầm bản đồ này cũng là một trong những việc như thế.
Khi làm với niềm say mê, mình hy vọng sự đóng góp này sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. Khi dự án này hình thành, sự thành công ngoài sự mong đợi, mình không ngờ sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.
Qua công việc sưu tầm bản đồ, tôi nghĩ cá nhân tôi hay một cá nhân nào khác sống ở nước ngoài thì đều có khả năng, có điều kiện đóng góp các công việc khác nhau, đôi khi có những công việc mình thấy rất nhỏ nhưng sức lan tỏa, cái giá trị, ý nghĩa tinh thần của nó rất lớn. Nên tôi hy vọng mọi người Việt Nam sống ở nước ngoài, hay kể cả sinh viên du học mạnh mẽ theo đuổi niềm đam mê và có những việc làm đóng góp cho Việt Nam.” – Anh Trần Thắng tâm sự.