Ngoài hội nhập tốt với chính quyền sở tại, cộng đồng kiều bào Đông Bắc Thái Lan luôn có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và duy trì tiếng mẹ đẻ ở nơi xứ người.
Vùng Đông Bắc Thái Lan có nhiều cảnh đẹp hoang sơ kỳ bí, núi non thiên nhiên hùng vĩ được bao bọc bởi dòng sông Mekong hiền hòa thơ mộng, uốn lượn dọc theo biên giới Lào – Thái Lan. Nơi đây còn giữ nguyên các giá trị truyền thống lâu đời của nhân dân Thái Lan. Đặc biệt, hiện có khoảng 80.000 kiều bào ta đang sinh sống và làm việc ở đây, hòa nhập tốt với chính quyền sở tại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc và luôn hướng về quê hương đất nước Việt Nam.
Luôn hướng về quê hương
Đặc điểm nổi bật của kiều bào vùng Đông Bắc nói riêng và Thái Lan nói chung là tinh thần đoàn kết, luôn hướng về quê hương đất nước, là cộng đồng gắn bó, đùm bọc, yêu thương nhau, tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước Thái Lan, đồng thời luôn vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Lễ ra mắt Hội Việt kiều toàn Thái tại tỉnh Sakon Nakhon. - Ảnh: Báo Hà nội mới |
Nhờ chịu khó làm ăn, năng động sáng tạo, nắm bắt tốt các cơ hội nên nhiều kiều bào ở đây đã trở thành doanh nhân thành đạt, sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn, như gia đình ông Cao Văn San ở tỉnh Sakon Nakhon, ông Nguyễn Ngọc Thìn ở tỉnh Mucdahan, ông Lương Xuân Hòa, ông Hồ Văn Lâm ở tỉnh Udon Thani, ông Nguyễn Viết Bé ở tỉnh Khon Kaen...
Doanh nhân kiều bào đã phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường liên kết với các doanh nhân 2 nước để cùng nhau khai thác những cơ hội và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt – Thái.
Ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Mucdahan chia sẻ, “Doanh nhân kiều bào không chỉ có kinh tế vững vàng mà còn luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan và cũng là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp hai nước trong việc việc quảng bá sản phẩm, thu hút người tiêu dùng biết và sử dụng hàng Việt Nam”.
Không chỉ thành công trong làm kinh tế, kiều bào vùng Đông Bắc còn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội Thái Lan. Rất nhiều kiều bào đã trở thành các chuyên gia có uy tín cao trong cơ quan sở tại, giáo sư, tiến sỹ trong các viện nghiên cứu và hệ thống các trường đại học.
Đạt được thành tích này, ngoài nỗ lực bản thân, kiều bào ta còn biết phát huy tốt truyền thống hiếu học của ông cha, đầu tư cho thế hệ tương lai bằng kiến thức vững vàng, bằng trình độ học vấn tiên tiến, hiện đại.
Lãnh đạo chính quyền vùng Đông Bắc Thái Lan đều có nhận xét tích cực về cộng đồng kiều bào địa phương. Ông Sayam Sirimongkorn, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani đánh giá cộng đồng kiều bào là một tập thể đoàn kết, tuân thủ pháp luật và có nhiều đóng góp cho tỉnh Udon Thani.
Ông Savengsac Phondiem, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Mucdahan khẳng định, kiều bào ở đây hòa nhập tốt với người dân sở tại và tích cực tham gia các hoạt động địa phương, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là với tỉnh có quan hệ kết nghĩa Quảng Trị, đồng thời mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động về kinh tế, du lịch, thể thao để việc hợp tác kết nghĩa đi vào thực chất trong thời gian tới.
Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc
Ngoài hội nhập tốt với chính quyền sở tại, cộng đồng kiều bào Đông Bắc Thái Lan luôn có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và duy trì tiếng mẹ đẻ ở nơi xứ người.
Những công trình văn hóa, khu tưởng niệm mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam như khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bản Nỏng Ôn, tỉnh Udon Thani, khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom, Công viên Hữu nghị Thái Việt và Chùa Một cột ở tỉnh Khỏn Kèn... đã được bà con đóng góp xây dựng và trân trọng giữ gìn.
Duy trì tiếng Việt cho thế hệ tương lai luôn được kiều bào quan tâm với mong muốn: tiếng Việt còn thì người Việt còn. Nhiều lớp dạy tiếng Việt miễn phí, nhiều hình thức dạy học đa dạng, sinh động, dễ tiếp thu như qua lời hát Việt, như trong nhà bố mẹ chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt.... để làm sao cho việc phổ biến tiếng Việt đến được đông đảo con em kiều bào, để tiếng Việt ở đây không bị mai một, tình cảm với quê hương đất nước được tiếp tục bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Một nét đẹp của kiều bào Đông Bắc Thái Lan là tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương Việt Nam. Bà con tích cực tham gia các hoạt động trong nước, luôn chia sẻ những khó khăn với người dân. Các đợt thiên tai, lũ lụt, đại dịch Covid-19... kiều bào Đông Bắc Thái Lan đã kịp thời và luôn đi đầu trong việc hỗ trợ bằng cả vật chất lẫn tinh thần giúp đỡ quê nhà, thể hiện tình cảm chân thành gắn kết của những người con phương xa.
Ông Trịnh Cao Sơn, Chủ tịch Tổng hội người Thái gốc Việt cho biết, với truyền thống yêu nước sẵn có, kiều bào Thái lan luôn hướng về quê hương đất nước cội nguồn, luôn có phần đóng góp khi tổ quốc cần trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giúp đỡ đồng bào bị nạn lũ lụt, sạt lở đất, trẻ em mồ côi bị dị tật bẩm sinh chất độc màu da cam, xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp quỹ vaccine phòng Covid - 19...
Cùng với đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ hai nước, đời sống của kiều bào nơi đây ngày một khởi sắc, ấm no, hạnh phúc.
Kiều bào vùng Đông Bắc đã phát huy được những điểm mạnh để trở thành cộng đồng tốt tại Thái Lan, cũng như là nguồn lực phát triển đất nước Việt Nam và sẽ là cầu nối tích cực cho sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.