Tạo dựng đội hình trí thức trẻ hướng đến các mục tiêu toàn cầu

(VOV5) - Anh cũng được bầu là Tổng thư ký của mạng lưới Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu vào năm 2018. 

Được phong hàm phó giáo sư năm 2016 khi mới 32 tuổi,  Trần Xuân Bách trở thành là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Anh cũng được bầu là Tổng thư ký của mạng lưới Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu vào năm 2018. Du học nhiều năm ở nước ngoài cho Trần Xuân Bách có kinh nghiệm và cách nhìn nhận về khả năng kết nối và tập hợp đội hình các nhà trí thức trẻ ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho đất nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hoàn thành luận án tiến sĩ và sau đó hoàn thành chương trình sau tiến sĩ  ở Canada, tham gia vào các nhóm nghiên cứu y tế của Trường Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Bách trở về Việt Nam tiếp tục những nghiên cứu khoa học về y tế tại quê nhà. Anh đã hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ đang là nghiên cứu sinh của trường Đại học y về các dự án chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Gặp Trần Xuân Bách khi đang cộng tác với Trường Đại học Duy Tân thực hiện một số dự án nghiên cứu khoa học, anh bận rộn tập trung hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh trẻ làm việc theo nhóm. Phó giáo sư tiến sĩ Trần Kim Anh, cũng đang cộng tác với Đại học Duy Tân chia sẻ: “ Ở đây có 1 nhóm có các bạn rất trẻ do phó giáo sư tiến sĩ trẻ Trần Xuân Bách là cố vấn,   hướng dẫn cho các bạn trẻ trường y thuộc nhóm nghiên cứu sáng kiến sức khỏe. Các bạn đang tìm ra những cách để bảo vệ sức khỏe con người, tránh được những bệnh truyền nhiễm ở Châu Á phổ biến là  các loại virus..”

Tạo dựng đội hình trí thức trẻ hướng đến các mục tiêu toàn cầu - ảnh 1 PGS Trần Xuân Bách và các bạn nhỏ Nam Phi - Ảnh: FBNV

Những dự án mà các bạn trẻ đang thực hiện đã được các nhà khoa học đi trước nhìn nhận và đánh giá tích cực. Thành công của các dự án trong lĩnh vực y dược là nhờ hướng dẫn của phó giáo sư trẻ Trần Xuân Bách  với kinh nghiệm cùng  sự trải nghiệm nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Đó là việc tập hợp một đội hình  nghiên cứu, là sự kết nối các nhà khoa học trong nước và nước ngoài cùng chia sẻ, trao đổi những tiến bộ kỹ thuật giữa các nước và áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam. Được bầu làm Tổng thư ký Mạng lưới Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần đầu tiên là vinh dự với phó giáo sư tiến sĩ Trần Xuân Bách. Đó là sự ghi nhận nỗ lực và khả năng tập hợp những người Việt trẻ ở khắp nơi thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước nói riêng và giải quyết những thách thức toàn cầu nói chung. Trần Xuân Bách chia sẻ: “ Tiến tới thành lập mang lưới trí thức trẻ toàn cầu. Đối thoại chia sẻ mà tạo ra hạt nhân, các nhóm nghiên cứu, đòi hỏi thực tiễn ở Việt Nam. Bất kỳ giai đoạn nào ai cũng có thể tham gia đóng góp. Chúng tôi tổ chức chương trình đào tạo nghiên cứu chuyên đề, tiến tới tài trợ nghiên cứu thử nghiệm. Mạng lưới mở rộng, tạo ra cơ hội đào tạo lớp kế cận trẻ. Xây dựng mời đặt hàng tham gia, trong đó có đại diện trí thức tiền bối, có kinh nghiệm, chia sẻ định hướng kỳ vọng của trí thúc trẻ tập trung vào nhu cầu đòi hỏi cấp thiết”.

Các thành viên của mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu khi được thành lập sẽ triển khai các đội hình, tạo ra sự kết nối và chia sẻ để thực hiện những nghiên cứu chung, những dự án liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng hay những dự án về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng vào từng nghiên cứu cụ thể. Đó chính là cách để rút ngắn khoảng cách về năng lực nghiên cứu trong và ngoài nước như phó giáo sư Trần Xuân Bách chia sẻ: Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 giai đoạn này đòi hỏi các nhà khoa học xây dựng đội hình, cộng sự của các nhà khoa học xuất sắc. Đội hình tạo kênh cơ chế cho các nhà khoa học trong và ngoài nước, từ đó, khoảng cách năng lực nghiên cứu trong và ngoài nước không còn lớn, tạo nên sự cộng hưởng cá nhân tổ chức để hỗ trợ lẫn nhau”.

Tạo dựng đội hình trí thức trẻ hướng đến các mục tiêu toàn cầu - ảnh 2 PGS Trần Xuân Bách và các bạn nhỏ Nam Phi - Ảnh: FBNV

Gánh vác trọng trách là người tập hợp, đoàn kết các trí thức trẻ ở trong nước và nước ngoài, Trần Xuân Bách cũng còn nhiều dự án trong lĩnh vực ngành y mà anh đang theo đuổi. Những năm tháng học tập và hiện đang  giữ vai trò giáo sư thỉnh giảng kiêm nhiệm của Đại học Jon Hopkins ( Mỹ) đã cho anh những suy nghĩ về vai trò của người trẻ cùng nhau tập hợp mang kinh nghiệm học được từ các nước áp dụng vào Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác