(VOV5) - Khát khao cống hiến xây dựng đất nước của Kiều bào ngày càng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hiện nay với mong muốn không để Việt Nam bị tụt lại trong các cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Đất nước Việt Nam đã thống nhất được 44 năm kể từ mùa xuân năm 1975. Chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển đó ghi nhận sự góp sức không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Khát khao cống hiến xây dựng đất nước của Kiều bào ngày càng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hiện nay với mong muốn không để Việt Nam bị tụt lại trong các cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Ảnh minh họa (TTXVN) |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam nhiều lần khẳng định vai trò không thể thiếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đều có dấu ấn của những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những đóng góp ấy chính là chất xúc tác quan trọng đối với thành công của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Đóng góp vì sự nghiệp chung
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có hàng trăm trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.
Danny Võ Thành Đăng tại diễn đàn kết nối Start ups Việt. (VOV) |
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada là 1 ví dụ. Chọn đồng bằng sông Cửu Long để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp 4.0, ông Nguyễn Thanh Mỹ mong muốn giải phóng sức lao động của người nông dân nơi đây. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ và các đồng nghiệp đã sáng tạo ra phao quan trắc quan sát độ mặn, ngọt, độ pH và mực nước để giúp người dân chủ động lấy nước sử dụng trong canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, một loạt sản phẩm và thiết bị canh tác thông minh đã ra đời như hệ thống bơm tự động, phân bón thông minh giảm phát thải khí nhà kính.
Không chỉ những người lớn tuổi mà nhiều kiều bào là những doanh nhân, trí thức trẻ cũng về Việt Nam để thực hiện các công trình nghiên cứu, những dự án kinh doanh, tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ở Việt Nam, Dany Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, cho hay: Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, giống như một mảnh đất màu mỡ cần được khai thác. Đó chính là lý do mà những kiều bào trẻ chúng tôi trở về.
Trần Hải Linh, sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, bày tỏ:Chúng tôi muốn rằng là những người con xa quê, có những hiểu biết nhất định giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chúng tôi sẽ có những phương án để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt là quan hệ giao thương giáo dục, kinh tế, thương mại. Chúng tôi là những cánh tay nối dài, sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước, các tỉnh, địa phương sẽ đến Hàn Quốc nhiều hơn, từ đó mang lại giá trị thặng dư nhất định đối với từng địa phương.
Trần Hải Linh đã đến thăm và giao lưu với học sinh, sinh viên của Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa Hà Nội (VOV) |
Kim Bồ Ngô, kiều bào tại Canada, cho biết:Về Việt Nam tôi nghĩ có nhiều cơ hội. Những người trẻ như tôi có thể kết nối Việt Nam và thế giới. Không chỉ văn hóa trẻ, kinh nghiệm, cách làm tài chính, luật sư, quảng cáo...Thực sự muốn về Việt Nam để hiểu về quê hương và giúp cho đất nước mình phát triển.
Trân trọng, khuyến khích Kiều bào
Trước tiềm năng chất xám và nhiệt huyết cống hiến cho đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng tạo nhiều điều kiện để Kiều bào đóng góp cho quê hương.Tại tất cả các buộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở trong hay ngoài nước, các vị lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kiều bào. Còn tại từng địa phương, nhiều năm qua, các buổi tọa đàm, gặp gỡ doanh nhân, trí thức Kiều bào diễn ra thường xuyên hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc của bà con với tinh thần cầu thị. Các sự kiện này đều có sự hiện diện của lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố. Điều này dần trở thành động lực gắn kết với đất nước của bà con Kiều bào. Có thể nhận thấy sự gắn kết này qua con số thống kê cuối năm 2018: khoảng 3 nghìn dự án đầu tư kinh doanh của bà con Kiều bào tại 45 tỉnh, thành phố với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD. Con số này sẽ tiếp tục thay đổi trong những năm tới.
Với sự cầu thị từ trong nước kết hợp với tâm niệm trở về để cống hiến của Kiều bào, chắc chắn số lượng người Việt Nam quay trở về để góp sức ngày một nhiều hơn, để ngày càng trở thành "chất xúc tác" quan trọng đối với thành công của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.