(VOV5) - Ngày 20/7, đoàn thanh niên sinh viên dự Trại hè Việt Nam năm 2017 có buổi tham quan địa đạo Củ Chi và Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại di tích địa đạo Củ Chi, các em đã được tận mắt chứng kiến cũng như khám phá hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách thành phố Hồ Chí Minh về phía tây – bắc 70 km.
Phần lớn các em đều rất hào hứng ngắm nhìn và vượt qua những ngõ ngách của các đoạn hầm địa đạo. Nguyễn Minh Đức, một kiều bào đến từ Slovakia chia sẻ: “Đi cũng mệt một chút nhưng em thấy rất thích. Em chưa đi đến đây bao giờ nên đây là chỗ mới đến cho em. Em cũng muốn đi nhiều hơn, thấy người ta ở đâu, bệnh viện như thế nào.”
Các thanh thiếu niên kiều bào dâng hương tại địa đạo Bến Dược |
Các em xem đoạn băng giới thiệu về địa đạo Củ Chi |
Các em tham quan hầm địa đạo |
Còn Trần Duyên Hồng, một thanh niên kiều bào đến từ Belarus cho rằng: “Em cảm thấy rất khâm phục sự thông minh khéo léo của người dân Việt Nam ngày xưa. Họ thực sự rất thông minh khi đã sáng tạo ra loại hầm như thế. Sau chuyến đi lần này em càng hiểu thêm được sự thông minh, lòng yêu nước và ý chí kiên cường chiến đấu của các chiến sĩ ngày xưa. Không chỉ là chiến sĩ họ còn giống như những nhà kiến trúc sư. Ngày xưa bạn bè em hỏi vì sao Việt Nam thắng nước Mỹ, giờ em đã hiểu vì sao.”
Các em tìm hiểu về bẫy chông |
Bên trong địa đạo - phòng họp chính uỷ |
Các mũi chiến đấu trong cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân |
Vào chiều 20/7, các thanh thiếu niên kiều bào trở về TP. Hồ Chí Minh tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Đây là nơi lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Các thanh thiếu niên của Trại hè Việt Nam vô cùng xúc động trước những hình ảnh sống động tại bảo tàng.
Tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Một số hình ảnh tại bảo tàng chứng tích chiến tranh - Máy chém |
Một số hình ảnh tại bảo tàng chứng tích chiến tranh - nhà tù trong chuồng cọp |
Một số hình ảnh tại bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Ngày 21/7, các em sẽ tiếp tục tham quan dinh Thông Nhất và giao lưu với John Hùng Trần, người Việt ở Mỹ từng nổi tiếng với cuốn sách “John đi tìm Hùng”.