(VOV5) - Tôi hi vọng mỗi đại biểu kiều bào sẽ là một cánh nhạn đưa tin, đem những hình ảnh của biển đảo quê hương và nhất là Trường Sa giới thiệu đến các bạn bè năm châu, một Trường Sa anh dũng kiên cường.
Từ lúc nhận được tin khẳng định được về Việt Nam để tham gia chuyến công tác đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi đã rất háo hức và tôi thiết nghĩ mình không phải là kiều bào duy nhất có tâm trạng này. Thường xuyên hồi hương do công việc, nhưng tôi xác định đây sẽ là chuyến hồi hương đặc biệt trong đời mình. Ba mẹ con rời Paris để bay về Thành phố Hồ Chí Minh trước chuyến đi vài ngày, bởi tôi muốn tận dụng dịp này để đưa các con đi thăm thú một số vùng miền Đông Nam bộ. Và quả là đặc biệt thật, khi mà trời Paris đầu xuân vẫn còn lành lạnh, không khí buổi sáng chỉ 6 đến 7 độ C, chúng tôi cập bến sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi sớm tinh mơ, tiếng cô tiếp viên lảnh lót thông báo nhiệt độ bên ngoài là… 37 độ C. Nghỉ ngơi đôi chút trong ngày và mẹ con tôi cũng đã kịp đi thăm thành phố Vũng Tàu và Tây Ninh, thăm Toà thánh và khu biên giới Mộc Bài…
Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant tác nghiệp trong chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 4 năm 2018. |
Ngày 18 tháng tư, ba mẹ con tôi lại cùng nhau đi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Các con tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu quê ngoại nên mua vé máy bay ra Hà Nội, còn tôi đến Cam Ranh.
Nắng ngập trời thành phố Cam Ranh, nhưng không khí dịu mát hơn nhiều so với Sài Gòn. Những cơn gió ngoài khơi thổi vào mang theo mùi hương nồng nồng của biển. Khách sạn Trường Sa hiện đại sừng sững tráng lệ đón đoàn chúng tôi, nhưng có lẽ vẫn đang kỳ hoàn thiện bởi xung quanh khuôn viên vẫn còn ngổn ngang, hàng cây to bứng từ đâu đó về trồng trước cửa vẫn còn chưa tươi lại, các nhân viên ai nấy đều chân tình chu đáo và cởi mở…
Đây quả là sự kiện hội ngộ thú vị! Các đại biểu kiều bào đều hồ hởi vui vẻ, gặp lại bạn cũ và kết thêm bạn mới. Tôi đã được gặp lại chị Lê Thị Bích Hường, một kiều bào trở về từ Italia. Chúng tôi học cùng khoa với nhau, ở cùng châu Âu nhưng gần chục năm rồi chưa có dịp hội ngộ, chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tôi đã được gặp lại bác Nguyễn Đình Bin, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp cách đây chừng chục năm… Những câu chuyện bên bàn ăn khiến tôi biết thêm về đồng bào mình ở những xứ sở mới lạ, những nơi mà tôi chỉ nghe tên nhưng chưa có dịp đến thăm. Tất cả mọi người đều hân hoan và tự hào được tham gia chuyến công tác đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Chiều ngày 19, đoàn khởi hành từ khách sạn ra cảng. Tuyệt vời! Những con đường phẳng lì một bên là biển. Hôm ấy nắng đẹp, biển thăm thẳm, chỉ thi thoảng gờn gợn những con sóng xanh vỗ nhè nhẹ vào bờ cát. Xa xa, con tàu lớn màu trắng KN 491 của Hải quân Việt Nam hiện ra giữa màu xanh của trời và của biển khi đoàn xe chúng tôi tiến gần lại. Đã xem duyệt binh nhiều lần, nhưng lần duyệt binh chia tay đoàn của các cán bộ và chiến sỹ hải quân khiến tôi ấn tượng. Vẫn là một màu trắng của quân phục, vẫn là những bước đi mạnh mẽ của lực lượng vũ trang, nhưng đây quả là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khối trắng – xanh lam di động với những bước chân oai hùng giữa mênh mang xanh thẳm của biển trời mây nước núi non.
Tiếng tàu hú báo hiệu rời cảng như một lời chào tạm biệt. Điện thoại di động đồng loạt hoạt động. Tôi nhận thấy những khoé mắt rưng rưng, những cánh tay đưa lên vẫy chào những người lính còn đứng trên bờ kè cảng.
Chỉ mấy ngày thôi mà tôi như sống hàng chục cuộc đời với vô vàn những cảm xúc pha trộn! Đêm đầu tiên ban lãnh đạo đoàn công tác giao lưu các đại biểu. Dưới ánh trăng non đầu tháng, chuyện làm quen diễn ra nhẹ nhàng hòa điệu. Đến phần giao lưu văn nghệ, những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt thân thiện. Những giọng ca, điệu múa dễ đi vào lòng người và khiến ta nhanh chóng xích lại gần nhau hơn khi xung quanh ta chỉ là những con sóng và tiếng biển rì rào. Mảnh trăng đầu tháng treo lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm, thi thoảng điểm những đám mây trắng bồng bềnh. Những ca khúc về biển trời và lãnh hải Việt Nam vang lên hào hùng. Những tiếng hát lanh lảnh, vẳng vào trời, vào biển, vang đi rất xa rồi lại quay về quần tụ trên môi, trên mắt mỗi người. Lúc đó mọi ranh giới về cấp bậc hình như đã biến mất, mọi khoảng cách về địa lý, danh phận quốc gia của các kiều bào không còn tồn tại nữa, mà chỉ còn là những đứa con của dân tộc Việt Nam, có cùng một tiếng nói, một tình cảm đối với Tổ quốc thiêng liêng. Là những đứa con lên đường đi thăm những đứa con khác của Đất Mẹ. Toàn đoàn đã làm thành một khối duy nhất.
Đoàn công tác số 10 năm 2018 trong chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 chụp ảnh lưu niệm tại sân bay tàu KN 491 |
Những ngày sau đó luôn đầy ắp những cảm xúc! Vui có, buồn có và cả niềm kiêu hãnh tự hào và hi vọng! Đảo Song Tử Tây là điểm thăm đầu tiên của đoàn. Khách thăm hân hoan vì thấy cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng được cải thiện dần lên. Lễ chào cờ buổi sáng gây xúc động, khi được nghe giọng nói rắn rỏi trang nghiêm của một chiến sỹ đọc 10 lời thề. Tôi nhận thấy ánh mắt rưng rưng của cán bộ lãnh đạo đoàn công tác và những dòng lệ rịn chảy trên khuôn mặt một số đại biểu kiều bào. Những bước đi vững mạnh kiêu hùng của các đoàn duyệt binh. Bức tượng sừng sững hiên ngang của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhìn ra biển như muốn nhắc nhở con cháu luôn nêu cao tinh thần và vững lòng tin bảo vệ lãnh hải của Tổ Quốc. Chùa Song Tử Tây mang đậm những phong cách của chùa Việt Nam và một điều đặc biệt trên tất cả những ngôi chùa thuộc quần đảo Trường Sa là mọi hoành phi, câu đối đều được viết bằng tiếng Việt. Đây quả là một sự tinh tế.
Chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ đang đứng gác tại nhà giàn DK1/18 |
Rời Song Tử Tây, đoàn đến thăm đảo chìm Đá Nam. Quang cảnh nơi đây vượt khỏi sự hình dung của tôi. Một hòn đảo nhỏ không cây nằm chênh vênh trên mặt biển. Các chiến sỹ giữ đảo còn rất trẻ, những khuôn mặt rám nắng và gió biển khiến ta nghĩ họ trưởng thành trước tuổi. Xúc động nhất khi một nữ ca sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội Việt Nam đến hát cạnh một chiến sỹ đang đứng gác bên cạnh bia đánh dấu cột mốc chủ quyền. Tiếng hát của chị khiến người chiến sỹ rưng rưng, anh bối rối nhìn ra nơi khác, tay anh run run giữ chặt nòng súng, rồi hình như không kìm được, đôi dòng lệ chảy nhanh trên má… Tất cả những cử chỉ đó chỉ kéo dài chừng ba mươi giây, nhưng đủ khiến những người có mặt như lặng đi, chỉ còn nghe thấy những tiếng rì rầm của biển. Người chiến sỹ lại nhanh chóng lấy lại phong độ hiên ngang, mắt nhìn thẳng, tay cầm chắc súng. Tôi đọc thấy trong ánh mắt một số đại biểu sự ngưỡng mộ, cảm thông và chia sẻ…
Bà Hiệu Constant tại bệnh xá đảo Phan Vinh |
Đảo Cô Lin cũng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng! Nhất là khi về tàu, đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma và những người lính đã hi sinh để bảo vệ biển đảo. Cả khu sân bay của tàu im phăng phắc, người ta chỉ còn nghe thấy giọng đọc nghẹn ngào của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng hải quân, người cán bộ cấp cao nhất trong lực lượng hải quân có mặt trên tàu. Các đại biểu được nghe lại những chiến công thầm lặng và cả sự hi sinh của các anh. Xúc động thật! Xung quanh tôi, cặp mắt nào cũng rưng rưng nhỏ lệ, đây đó vang lên tiếng sụt sịt. Tôi thấy cặp mắt các phóng viên tác nghiệp cũng đỏ hoe. Không khí hết sức trang nghiêm khi ban lãnh đạo đoàn và các đại biểu thắp hương cho các anh. Cả khu tĩnh lặng, ta chỉ còn nghe văng vẳng tiếng nhạc lễ và mùi hương trầm lan toả trong không gian…
Ảnh: Công Thi |
Chuyến đi đã để lại trong lòng các thành viên nhiều ấn tượng. Rồi cũng đến lúc phải chia tay các hòn đảo thân thương để trở về đất liền! Ngày mai các đại biểu sẽ trở về với công việc của mình, nhưng tôi chắc chắn rằng Trường Sa sẽ mãi mãi in đậm trong tim mỗi người, nhất là các đại biểu kiều bào. Tôi hi vọng mỗi đại biểu kiều bào sẽ là một cánh nhạn đưa tin, đem những hình ảnh của biển đảo quê hương và nhất là Trường Sa giới thiệu đến các bạn bè năm châu, một Trường Sa anh dũng kiên cường với các cán bộ chiến sỹ Hải quân luôn sẵn sàng hi sinh những hạnh phúc riêng tư và thậm chí cả sinh mạng vì sự bình an và chủ quyền của dân tộc.
Xin được mượn lời của nhà báo Lê Ngọc Năm (báo Văn hóa), một người đã có kinh nghiệm nhiều năm đi Trường Sa, để kết thúc bài viết:
"Trường Sa - khi đi mang theo nỗi nhớ/ Khi về mang lại niềm tin".