(VOV5) - “Phở Vietnam Tuấn & Lan” là cuốn sách đầu tiên do chính người Việt đang sống ở Cộng hòa Séc tự tìm những người có uy tín trong các lĩnh vực hợp tác để giới thiệu về ẩm thực Việt Nam.
Đến dự lễ ra mắt cuốn sách “Phở Vietnam Tuấn & Lan” có rất đông bạn bè người bản xứ, nào là những nhiếp ảnh gia, những nhà báo, nhà văn, luật sư và những đầu bếp nổi tiếng không chỉ đến Việt Nam nhiều lần mà còn giúp cho sự ra đời của cuốn sách, tôi thấy hạnh phúc khi có những người đồng hương đang làm rạng danh hai tiếng Việt Nam trong lòng bè bạn.
Tại buổi lễ ra mắt sách “Phở Vietnam Tuấn & Lan” |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với lối trang trí theo kiểu tự sự, cuốn sách không chỉ cho bạn đọc thấy rất rõ những gập ghềnh, gian khó khi lập nghiệp ở nước ngoài mà còn giới thiệu những hình ảnh, những khoảnh khắc rất đời thường trong đời sống của người dân trong nước. Những món ăn được gọi là quốc hồn dân tộc cứ lần lượt hiện ra trong các bức ảnh kèm theo hướng dẫn được đơn giản hóa đã làm mê hoặc bạn đọc Séc. Trong một thời gian đi suốt chiều dài đất nước Việt Nam, nhà nhiếp ảnh Marek Bartos cùng với hai con trai của anh chị đã ghi lại, chắt lọc rồi đưa vào trang sách không chỉ những món ăn đang nồng nàn trên bếp mà còn có những bến đò bình yên trên sông trong chạng vạng ráng chiều. Một góc vườn quê trĩu nặng giàn bầu nép mình dưới tháp canh của nhà thờ đủ làm cho người đang sống xa quê thổn thức.
Những bạn bè người Việt và quốc tế đến chúc mừng anh chị Tuấn, Lan trong buổi ra mắt sách. |
Cũng giống như nhiều người không may khác đi tìm thiên đường của giấc mơ lập nghiệp ở nước ngoài. Khi biết mình đã bị bỏ rơi và lời hứa được trả 500 đô la cho mỗi tháng chỉ là gió thoảng. Anh thất vọng, lạc lõng giữa đất nước xa lạ. Vợ anh hay tin và bằng một quyết định táo bạo, chị bán ngôi nhà đang ở rồi vay thêm bà con họ hàng đủ số tiền để sang cùng chia sẻ gian khó với chồng. Đến nơi chị mới hay rằng, miền đất không như chị nghĩ. Hàng núi khó khăn đang chờ ngay trước mắt, không nhà ở, không việc làm, không hiểu ngôn ngữ và không tiền bạc. Đi tìm mãi rồi anh chị cũng xin được làm thuê cho một nhà hàng. Hơn một năm làm việc, sáng dậy từ 6h để chuẩn bị cho ngày làm từ 8h đến 21h, vậy mà vẫn không có tiền để mua một đôi giầy ấm. Suốt mùa đông năm ấy, bàn chân hai vợ chồng tím tái, nước mắt chị không còn để rơi. Biết không đủ sức để chịu đựng, anh chị xin nghỉ và công sức hơn một năm trời, người chủ thanh toán cho 35000 korun sau khi lấy lý do trừ vào tiền ăn, tiền ở.
Với số tiền ấy, hai vợ chồng bàn tính rồi quyết định, anh phải học lái xe và thuê một chỗ nhỏ để ở. Hai quyết định ấy đã lấy gần hết số tiền họ được trả, còn lại đúng 1000 korun. Sinh ra trong gia đình có nghề làm giò chả truyền thống, anh bàn với chị, thử làm những mặt hàng này để bán cho bà con người Việt đang bán hàng ở các chợ trên vùng biên giới Cheb. Nghĩ là làm, hai anh chị, mỗi người một xe kéo và ngày đầu tiên, sản phẩm của họ đã bán hết trong vòng 2 tiếng. Thời gian trôi, những món ăn do anh chị chế biến như giò chả, bánh mỳ kẹp thịt, kẹp ba tê đã dần chiếm được tình cảm của bà con người Việt. Càng ngày, nhu cầu của bà con càng tăng và việc thiếu vốn đang là bài toán khó giải. May thay, sự tận tâm, cần cù chịu khó của hai vợ chồng đã giống như một giấy bảo lãnh để khi những người thân quen quyết định cho vay 5000 đê mác giúp hai vợ chồng mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Từ số vốn ấy, anh chị mở rộng thêm các mặt hàng đồng thời đi tìm và mở những địa điểm để có thể bán và giới thiệu sản phẩm một cách tốt nhất. Dấu chân của họ đã in khắp các vùng biên giới phía Bắc nước Séc. Giò chả Tuấn Lan trở thành thương hiệu trong bữa ăn nhiều gia đình người Việt, đặc biệt khi Tết đến xuân về.
Rồi quán ăn mang tên “Phở Vietnam Tuấn & Lan” ra đời giữa thủ đô Praha vào tháng 3 năm 2010. Từ niềm khát khao cháy bỏng làm sao đưa được món Quốc hồn này của dân tộc đến được với thực khách là người dân bản xứ và du khách nước ngoài khi đến thăm quan Praha. Khi mở cửa, khách đến ăn quá đông, phải xếp hàng và có lẽ đây là quán phở Việt duy nhất ở Châu Âu, người ăn phải đứng vì thiếu chỗ. Các tờ báo lớn cử phóng viên đến viết bài, họ bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh các thượng đế vốn cực kỳ khó tính vừa bê bát phở nóng hổi, vừa thổi, vừa đứng ăn. Hình ảnh đó đã trở thành một hiện tượng để trong danh sách giới thiệu những quán ăn nổi tiếng của thủ đô Praha cho khách du lịch có quán phở Tuấn và Lan.
Người phụ trách chương trình dạy nấu ăn trên đài truyền hình và là người đầu bếp nổi tiếng Zdeněk Pohlreich đã hứng khởi khi được viết lời tựa cho cuốn sách “Phở Vietnam Tuấn & Lan”. Ông tâm sự: “Vô cùng khâm phục những con người đến từ đất nước xa xôi. Từ những bước đi gian khó khi lập nghiệp ở nước ngoài, bằng tình yêu đất nước, họ đã giới thiệu và cho chúng ta thưởng thức những món ăn giàu cảm xúc, không thể lẫn với những đồ ăn các nước khác trên thế giới và nếu có thể mở một nhà hàng đâu đó trên thế giới, đối tác tôi muốn mời, đó chính là Việt Nam”. Có lẽ thế chăng nên ông đã mời chị đến dạy lớp nấu những món ăn thuần Việt do nhà đài tổ chức.
Là cuốn sách đầu tiên do chính người Việt đang sống ở nước sở tại tự tìm những người có uy tín trong các lĩnh vực hợp tác để giới thiệu về ẩm thực Việt Nam. Tự bỏ tiền mời họ về mục sở thị đất nước, con người, phong tục để rồi phối hợp cho ra đời một tác phẩm đầy nghệ thuật.
Một tuần sau khi xuất bản, cuốn sách đã được công ty phát hành thông báo, hiện đang nằm trong tốp 4 đầu sách bán chạy nhất trong tuần. Người ta tìm thấy ở đó không chỉ những món ăn mang đậm tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam mà còn thấy những ước mơ, những khát khao của một dân tộc yêu hòa bình qua những cánh cò bay trên thảm lúa hướng về phía chân trời.
Lẽ ra, tôi đã viết về họ, về những con người trong nhiều năm qua, bằng nỗ lực của mình, đã và đang quảng bá những món ẩm thực mang đậm hồn dân tộc Việt đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt với những người dân Séc, nơi họ đang sinh sống. Đang định viết, lại nghe tin anh chị cho ra đời cuốn sách giới thiệu và hướng dẫn cách chế biến các món ăn thuần Việt bằng tiếng Séc, nên lại chờ.
Xin cảm ơn anh chị Tuấn Lan và các cháu đã làm cho chúng tôi được kiêu hãnh, được tự hào từ những điều tưởng như không thể giữa xứ người.