Giữ gìn tiếng Việt từ nỗ lực của gia đình

(VOV5) - Thanh niên kiều bào tại khối Đông Âu, luôn  giữ gìn được vốn tiếng Việt rất tốt. Có được điều này thành quả phần lớn thuộc về sự quan tâm, dạy dỗ của những người là bậc làm cha mẹ. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Giữ gìn tiếng Việt từ nỗ lực của gia đình - ảnh 1 Nhóm thanh niên kiều bào khối Đông Âu trong chuyến trại hè Việt Nam 2017

Gặp các thanh niên kiều bào đến từ khối các nước Đông Âu trong chương trình trại hè Việt Nam 2017 mới thấy các em có vốn tiếng Việt rất phong phú. Không chỉ giao tiếp thông thường, các em còn đọc và viết tiếng Việt rất thành thạo. Nhiều em sinh ra và lớn lên tại đất nước bản xứ nhưng vẫn nói tiếng Việt với âm sắc chuẩn và rất am hiểu về văn hoa quê hương. Các em tâm sự, có được điều này là nhờ công sức của bố mẹ . Cô bé Nguyễn Thanh Hải, năm nay 18 tuổi, đến từ đất nước Bulgaria chia sẻ: “Với những người mà em thấy, ăn uống hay nói chuyện đều dùng tiếng Việt và đồ ăn Việt bởi vì mọi người đều muốn là các em không quên. Mặc dù không phải như ở Việt Nam và các em nói sõi như thế được, nhưng giao tiếp bình thường với bố mẹ, bạn bè đều có thể nói được tiếng Việt. Em thấy rất nhiều em nói được tiếng Việt”.

Phần lớn cha mẹ các em đều sinh sống và làm việc ở các nước này từ khi còn rất trẻ. Trong guồng quay cuộc sống bận rộn nơi xứ người, tâm trí họ vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Các bậc làm cha mẹ dường như đều mong muốn đứa trẻ của mình dù ở đâu, làm gì vẫn phải giữ được tiếng nói, chính là phần hồn của đất nước mình. Em Phạm Hải Tâm, đến từ thành phố Đa-nhét, Ukraina kể lại: “Bố em thường hay nói: Con phải chịu khó nói tiếng Việt, sau này về Việt Nam mới làm được. Việt Nam là quê hương của mình nên con phải chịu khó đọc và học tiếng Việt”.

Còn cô bé Nguyễn Khánh Huyền sinh ra và lớn lên ở đất nước Rumani tâm sự: “Em hay nói chuyện với bố mẹ lắm. Ngày xưa lúc em còn nhỏ, có nhiều thời gian hơn bây giờ, em thường hay xem phim Việt Nam. Phim Việt rất là hay. Bên Rumani vào mùa hè người ta thường hay tổ chức những lớp tiếng Việt, em có một khoảng thời gian lớp 3, lớp 4 vào mùa hè em đi học. Em học viết và học đọc. Giờ thì em viết còn sai chính tả nhưng đọc thì tốt ạ”.

Giữ gìn tiếng Việt từ nỗ lực của gia đình - ảnh 2 Nicole Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) và gia đình tại Cộng hòa Séc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đến với trại hè Việt Nam 2017, đoàn có số lượng thành viên đông nhất là Cộng hoà Séc. Đây cũng là đất nước tập trung khoảng 60.000 người Việt và đã được công nhận là dân tộc thiểu số của nước này. Cô bé Nicole Ngọc Anh, đến từ Cộng hoà Séc kể lại câu chuyện của gia đình mình: “Phần lớn những người Việt ở bên Séc khi khởi nghiệp người ta sẽ không có thời gian để trông con, thường người ta phải gửi con cho nhà người bản địa. Người này sẽ chăm 24h và điều này rất phổ biến cho đến tận bây giờ. Người này sẽ cho ăn, ngủ, dạy phong tục của người Séc để trẻ con Việt Nam dễ hòa nhập vào Cộng hòa Séc hơn. Vì thế mà đến năm 6 tuổi em quên hết tiếng Việt, vì em ở với người bản địa và chỉ về nhà mỗi cuối tuần. Bố mẹ em không thích và lo lắng em mất gốc nên đã gửi về cho bà ngoại để đi học lớp 1,2,3, học lại từ đầu về tiếng. Năm học lớp 3 em mới trở lại Séc”

Cũng chung nỗi lo lắng như cha mẹ của Ngọc Anh, cô bé Trần Nữ Duyên Hồng đến từ Belarus tâm sự gia đình sợ rằng cô con gái không biết tiếng Việt nên năm 4 tuổi gửi Duyên Hồng trở về Việt Nam. Cho đến năm 18 tuổi cô bé mới trở lại Belarus định cư cùng gia đình. Lúc này với vốn tiếng Việt tốt, gia đình em không những hoàn toàn yên tâm, mà tin tưởng giao việc dạy tiếng Việt cô em gái nhỏ cho Duyên Hồng. Thậm chí, khi có thời gian rảnh rỗi, cha mẹ Duyên Hồng còn khuyến khích em tham gia trợ giảng cho các lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại đây. Duyên Hồng kể lại: “Các thầy cô hay khuyến khích con em, hay có các chương trình, trò chơi, giải thưởng để học sinh tích cực đi học hơn, yêu tiếng Việt hơn. Ví dụ Tết trung thu gần đây có tổ chức trò chơi. Em cùng với cô giáo dạy trong lớp tiếng Việt cùng chuẩn bị, tổ chức chương trình như cắt giấy trang trí, mua phần thưởng, bánh kẹo cho các em.”

Vai trò gìn giữ tiếng Việt trong thế hệ thanh niên kiều bào phụ thuộc rất lớn vào quan niệm và ý thức của bậc làm cha mẹ. Gia đình luôn là môi trường lý tưởng để các em có thể thực hành tiếng Việt, và gia đình cũng là nơi đầu tiên truyền dạy cho các em tình yêu và sự gắn bó với văn hoá Việt. Như những người gieo mầm, thế hệ những bậc cha mẹ người Việt tại khối các nước Đông Âu dường như luôn hy vọng giữ gìn hồn dân tộc mãi mãi xanh tươi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác