Tự tình tiếng quê

 Tự tình tiếng quê - ảnh 1
Bà con kiều bào chụp ảnh kỷ niệm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 


(VOV5) “Quê hương là gì hở mẹ? Mà cô giáo dạy phải yêu”. Những lời thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân nghe sao mà day dứt, cồn cào, cứ nghẹn ngào trong cổ họng, cứ cay cay lòng mắt trong mỗi người viễn xứ. Quê hương, bản sắc văn hóa Việt là gì mà chỉ có khi đi xa mới thèm nhớ đến quay quắt.  

Nhấn vào đây để nghe nội dung của bài viết:





Về Việt Nam năm 2008 vào những ngày đất nước đang kỷ niệm quốc khánh 2/9, kể lại chuyện vừa trở về thăm lại bà con, họ hàng ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, ông Lâm Văn Tú Sơn, người Việt ở Đan Mạch, ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ: “Về đến quê hương, đến làng của tôi, tôi không thể cầm lòng được. Tôi đi đâu cũng không thể quên quê hương của tôi. Dù quê hương của mình nghèo thiệt nhưng rất đậm đà tình quê”.

Nơi ông Lâm Văn Tú Sơn ở là thành phố Haslev, với vài chục hộ gia đình người Việt. Là công nhân lát đường, cuộc sống không lấy gì làm dư dả nhưng ông vẫn “ráng tiết kiệm” để giúp đỡ cho đồng bào trong nước mỗi khi có dịp:”Mỗi khi đồng bào trong nước có chuyện gì như bão lụt, tôi sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình để giúp đỡ quê hương”.

Tony Lương, một thanh niên gốc Việt sống ở Mỹ, từng tâm sự bằng những lời lẽ chân thật và mộc mạc: “trước khi về Việt Nam, ở bên Mỹ, em nghĩ em là người Mỹ. Nhưng về đến nơi chôn nhau cắt rốn, em thấy không phải vậy, em thấy đó là quê hương của mình. Về thăm gia đình để biết máu mủ của mình, em thấy tình cảm. Nếu mình mất tính cộng đồng, thì gia đình mình sẽ không mạnh. Biết nhau nhiều hơn, gần nhau hơn thì sẽ hiểu nhau hơn”.

Lại có câu chuyện về một người trẻ tuổi, ra đi trong chiến dịch “Operation babylift” tạm dịch là “Chiến dịch cầu hàng không trẻ em” khi chưa hết tuổi thôi nôi, giấy tờ duy nhất còn lưu lại đến giờ là giấy chứng sinh ghi vỏn vẹn địa chỉ nơi sinh và một cái tên Việt: Phạm Phú Đức, phần tên cha, tên mẹ bỏ trống. Sau khi sang Mỹ, Phú Đức lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ nuôi người Đức. Cuộc sống mới, cái tên mới nửa Việt, nửa nước ngoài: Nathan Phu Duc Scheider cũng không làm nguôi ngoai ước muốn được về thăm lại gốc tích xưa: “Tôi xem trên Internet về cuộc sống của Việt Nam, nhiều phim viết về Việt Nam nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy con người thực, những người đã tạo nên đất nước Việt Nam. Xem trên Internet thấy nhiều bạn trẻ cùng hoàn cảnh với mình đã trở về Việt Nam. Tôi hiểu đây là thời điểm tốt nhất để trở về Việt Nam. Sau ba mươi năm, tôi muốn được giao lưu, tiếp xúc, học những văn hoá của người Việt Nam”.

 Trở lại Việt Nam, tuy không tìm được thông tin mình muốn nhưng Phú Đức đã được sống trong những tình cảm thân thiết của người dân nơi quê mẹ sinh thành. Đó chính là chất xúc tác giúp Phú Đức định hình lại dự định của mình trong tương lai. Anh muốn làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ để góp sức giúp đỡ cho người dân trong nước.

Nguồn cội là gì, văn hóa Việt là gì, mà có một sức hút lâu bền, mãnh liệt và thôi thúc những người con xa xứ đến vậy? Nhà văn, nhà văn hóa Hữu Ngọc tâm sự, vấn đề bảo vệ tiếng nói là một phần của bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Và đến hôm nay rất nhiều người con Việt xa xứ, đặc biệt là giới trí thức kiều bào đã làm được điều này: “Có mấy anh bạn ở nước ngoài rất lâu năm, có các công trình nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ở Hà Nội không thể làm được. Ví dụ như anh Lê Minh Đức, bác sĩ tai mũi họng hàng đầu trên thế giới, ông tốt nghiệp ở Đức và Việt Nam, rồi sang Mỹ hành nghề. Cách đây 2 năm, ông xuất bản “Từ điển tiếng Huế” 2.000 trang. Bản sắc văn hóa Huế nằm ở trong đó cả. Ví dụ thứ 2: anh Bùi Tiến Liễu ở Pháp đã  phát hiện nhiều cái về văn hóa Việt Nam, nhất là đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Hoặc anh Lê Thành Khôi ở Pháp, năm ngoái ra một quyển: Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam”.

Ra đi từ cội nguồn văn hóa ấy, những sinh viên sang nước ngoài du học cũng chung một suy nghĩ phải giữ gìn bản sắc văn hóa, cội nguồn của mình, mà nói như anh Nguyễn Trung Hiển, Chủ tịch Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp thì: “Chúng tôi giới thiệu các hoạt động văn hóa Việt thông qua các hội chợ Noel, tuần lễ cộng đồng Pháp ngữ, tham gia diễu hành trong những lễ hội trang phục các nước. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các lớp học tiếng Việt cho các em thiếu nhi. Chúng tôi tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước trong việc trở thành đại sứ văn hóa, những hạt cát nhỏ bé góp phần xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa và giữ gìn tiếng Việt”.

Những giọt nước mắt thương nhớ quê của ông Lâm Văn Tú Sơn dẫu cho người đời vẫn bảo “tuổi già giọt lệ như sương”, hay nỗi lòng khắc khoải của chàng trai Nathan Phú Đức Scheider hoặc nỗ lực của những hội đoàn du học sinh, sinh viên đều có xuất xứ sâu xa từ: CỘI RỄ. Dù có xa cách nghìn trùng, thì tiếng gọi của quê hương, cố quốc với hơi ấm từ quê mẹ là câu hò, điệu lý, vần thơ vẫn cứ ám ảnh, quấn quýt, chẳng thể buông rời. Lưu giữ văn hóa, hồn quê nơi xứ khách, bản sắc văn hóa Việt ấy đã thành một dòng chảy luôn sống động trong các thế hệ kế cận sau này./.


Lan Phương

Phản hồi

Các tin/bài khác