(VOV5) - Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chính là việc tham mưu xây dựng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Bộ Ngoại giao, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa đất nước với hơn 6 triệu kiều bào trên khắp thế giới. Với những chính sách đúng đắn, hoạt động hiệu quả, Ủy ban đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, hòa bình và hợp tác, đồng thời, khẳng định vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi và phát huy nguồn lực của cộng đồng kiều bào.
Các đại biểu tham gia Hội thảo “65 năm kết nối kiều bào với đất nước và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị”. |
Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chính là việc tham mưu xây dựng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị - văn kiện có tính bước ngoặt trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Sau 20 năm thực hiện, Nghị quyết đã chứng minh được giá trị thực tiễn sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận định: "Nghị quyết 36 đã trở thành kim chỉ nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc".
Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội thảo “65 năm kết nối kiều bào với đất nước và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị” để tìm ra các giải pháp nhằm triển khai toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài. |
Đối với cộng đồng kiều bào, Nghị quyết 36 nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi. Văn kiện này không chỉ tạo niềm tin, sự phấn khởi trong kiều bào mà còn tăng cường gắn kết giữa bà con với quê hương. Những chính sách được đề ra đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển vững mạnh. Ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chia sẻ: "Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục suy nghĩ để làm cho Nghị quyết 36 có sức sống hơn nữa vì tình hình mới đang đòi hỏi cao hơn với toàn thể đất nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
Nhìn về tương lai, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần được đẩy mạnh toàn diện từ việc nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị đến việc cụ thể hóa các chính sách thành hành động thiết thực. Đặc biệt, Ủy ban sẽ tập trung kiện toàn bộ máy theo hướng "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ "dám tiên phong đột phá, dám đổi mới sáng tạo": "Với sự đoàn kết, đồng lòng của hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan trong nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn".
Những năm qua, cộng đồng kiều bào thể hiện rõ sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ những chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này được thể hiện qua ý kiến của nhiều kiều bào tại các hội nghị quan trọng. Đặc biệt, tại Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 1993, hơn 100 kiều bào từ 24 quốc gia đã về nước tham dự và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Họ bày tỏ mong muốn được mang hai quốc tịch để thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống tại nước sở tại, được tạo điều kiện đầu tư về nước, cũng như đề xuất thành lập ngân hàng Việt kiều và trung tâm đào tạo chuyển giao công nghệ. Những đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu triển khai.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân |
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kể lại: "Các vụ của Ủy ban được giao nhiệm vụ tìm hiểu các chính sách vận động kiều dân ở nước ngoài của các nước, như: Trung Quốc, Israel, Nga, v.v. để xây dựng chính sách cho mình. Và đặc biệt là nghiên cứu về vấn đề quốc tịch. Gần đây nhất, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua luật đất đai (sửa đổi). Trong đó, cho phép việc người Việt Nam ở nước ngoài được hưởng những quyền như người trong nước về vấn đề đất đai. Điều này được cộng đồng bà con ở nước ngoài hoan nghênh khi lãnh đạo cấp cao của ta đi tiếp xúc với bà con."
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. |
Với 65 năm không ngừng nỗ lực, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ của Ủy ban ngày càng trưởng thành, không ngừng rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng. Họ đến với kiều bào bằng sự chân thành, cởi mở, phát huy tinh thần "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Chính vì vậy, Ủy ban đã trở thành địa chỉ tin cậy của kiều bào mỗi khi gặp khó khăn, là mái nhà đầy ắp nghĩa tình chào đón bà con mỗi khi kiều bào có dịp về nước. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai toàn diện trên tất cả các mặt từ tham mưu, xây dựng chính sách, đại đoàn kết, chăm lo, hỗ trợ cộng đồng, phát huy nguồn lực đến công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thông tin đối với người Việt Nam ở nước ngoài".
65 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự trở thành mái nhà tin cậy của kiều bào. Với những định hướng phát triển mới, trong tương lai, cùng với sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của cộng đồng kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, vững mạnh, luôn hướng về Tổ quốc.