(VOV5) - VKEIA cũng đã tập trung vào những hoạt động hỗ trợ những nơi tuyến đầu chống dịch như: các bệnh viện, các khu cách ly, những trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh...
Đại dịch COVID-19 đã và đang có những tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực: lao động, việc làm, y tế, giáo dục. Những trí thức trẻ Việt Nam từng sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc đã cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng nhiều cách thức khác nhau như: ủng hộ tiền mặt, hiện vật, chuyển giao khoa học công nghệ. Phóng viên VOV5 phỏng vấn TS. Bùi Lê Minh, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật công nghệ cao của Đại học Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch Hội chuyên gia và trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA) về nội dung này.
TS. Bùi Lê Minh |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa anh, anh có thể cho biết Hội Chuyên gia và trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA) thuộc Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc đã có những hoạt động kết nối giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc như thế nào trong việc phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp tại Việt Nam và các nước trên thế giới?
TS. Bùi Lê Minh: Ngày 4-3-2020 tại Hà Nội, Hội chuyên gia trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA), tổ chức thành viên trực thuộc Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) đã chính thức được thành lập. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, Hội Chuyên gia và trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA) tập trung hoạt động vào khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực có thể áp dụng trong phòng chống dịch. VKEIA cũng đã tập trung vào những hoạt động hỗ trợ những nơi tuyến đầu chống dịch như: các bệnh viện, các khu cách ly, những trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, ủng hộ trang thiết bị phòng hộ cho bộ đội biên phòng, các lực lượng vũ trang tuyến đầu phòng dịch. Đó là những nơi dễ bị ảnh hưởng của COVID-19 và cũng là những lá chắn đầu trong việc phòng chống đại dịch.
VKEIA trao quà hỗ trợ bộ đội biên phòng Tây Ninh. |
Trong thời gian qua, chúng tôi cũng chủ động làm việc với các công ty và tổ chức của Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam trong thực hiện việc giao thương, kết nối trí thức, hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Chúng tôi sử dụng nhiều hơn các công cụ trực tuyến để kết nối, làm việc với các bạn bè, đối tác Hàn Quốc và phối hợp, hỗ trợ và hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Chúng tôi trao đổi, làm việc với Đại sứ quán và các cơ quan của Chính phủ để đưa ra những ý kiến đóng góp về những phương thức đảm bảo cho các doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia 2 nước được hoạt động và hợp tác sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ như việc phối hợp mời gọi các nhà đầu tư, các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc theo những hình thức đặc biệt, trong đó vẫn có thể đảm bảo công ty của họ có điều kiện hoạt động phù hợp, hoặc những hình thức kết nối khác mà các khối doanh nghiệp của Hàn Quốc và Việt Nam yêu cầu hỗ trợ thì chúng tôi cũng cố gắng kết nối và tăng cường hợp tác trong khả năng có thể.
Thời gian qua, chúng tôi cũng tiến hành ký kết thoả thuận hợp tác (MOU) với các trường đại học ở Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu và các trường ở Hàn Quốc. Mục tiêu trong những năm sau có thể đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp của Hàn Quốc sang Việt Nam hoạt động đầu tư và thương mại. Nhu cầu hiện nay đang rất nhiều nhưng thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, về công tác về chuyển đổi số, chúng tôi cũng muốn tham gia cùng với Chính phủ, các cơ quan tổ chức và đặc biệt là có những hỗ trợ về khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại từ Hàn Quốc, đồng thời cùng làm việc và kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này của Hàn Quốc cùng tham gia. Đây sẽ là một bước tiến mới, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nhận khẩu trang do VKBIA và VKEIA tặng cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc |
Phóng viên: VKEIA đã tìm các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như ứng dụng và phát triển công nghệ tại Việt Nam như thế nào, thưa anh?
TS. Bùi Lê Minh: Hiện nay, có một vài hoạt động chúng tôi đã thực hiện trong việc phòng chống COVID-19. Đó là việc phối hợp nghiên cứu để làm kit xét nghiệm COVID-19 hoặc chúng tôi kết hợp với các bạn bên Hàn Quốc để tiến hành các dự án chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ mang hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang tiến hành thảo luận với các công ty và các tổ chức ở Việt Nam có nhu cầu chuyển đổi số để hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ từ phía Hàn Quốc và đồng thời xây dựng chương trình đào tạo cho chính đội ngũ có thể tham gia chuyển đổi số ở Việt Nam.
VKEIA tham gia Hội nghị đóng góp ý kiến của kiều bào về chuyển đổi số và khắc phục hậu quả của COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam. |
Phóng viên: Anh có thể giới thiệu đôi nét về thành viên của VKEIA. Những chuyên gia, trí thức này có vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay?
TS. Bùi Lê Minh: Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiến hành mở rộng đội ngũ các thành viên của VKEIA. Về căn bản, tất cả các chuyên gia tri thức có học vị GS, TS, nghiên cứu sinh, các du học sinh Việt Nam và Hàn Quốc có nguyện vọng đều có thể tham gia vào hội vì có những quyền lợi phù hợp. Mọi người sẽ có một diễn đàn, một sân chơi chung để kết nối, liên lạc và cộng tác với nhau. Hiện nay, đội ngũ các chuyên gia trí thức Việt Nam đang làm việc ở Hàn Quốc và cả các nước khác trên thế giới cũng là một lực lượng rất mạnh, giữ vai trò quan trọng trong kết nối tri thức, khoa học công nghệ toàn cầu. Đó là các giáo sư, nghiên cứu sinh hoặc chuyên gia làm trong các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, ở các viên nghiên cứu, trường Đại học nổi tiếng khắp thế giới, đó là thế mạnh rất lớn của hội. Vì các thành viên này nắm những đầu mối về khoa học công nghệ của Hàn Quốc, mặt khác lại hiểu rõ Việt Nam thì việc chuyển giao công nghệ “đúng” và “chuẩn” sang Việt Nam sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các đội ngũ chuyên gia trí thức Việt Nam đã về Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác nhau từ các đơn vị nghiên cứu hay các cơ quan nhà nước. Vì thế việc phối hợp hoạt động giữa hai nước sẽ thuận lợi và dễ dàng đối với hiệp hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh.