(VOV5) - Bếp truyền thống của người Tày được làm từ những vật liệu đơn giản như gạch, trát bằng đất mịn không lẫn sỏi và thường có 1 tầng nên than lúc nào cũng đỏ rực, hơi ấm giữ được lâu.
Trong văn hoá của người Việt nói chung và đối với đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), bếp lửa có vị trí, vai trò quan trọng. Bếp là nơi đun nấu, duy trì ánh sáng và hơi ấm trong gia đình. Người Tày coi trọng bếp nên có cả nơi thờ thần bếp nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, no đủ cho cả gia đình.
Bếp lửa truyền thống của người Tày trong căn bếp của gia đình ông La Sìu Quang (huyện Bình Liêu) - Ảnh: Tiến Cường/VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giữa phố huyện đang trên đà phát triển, không khó để nhận ra ngôi nhà được xây dựng bằng đất trình tường của gia đình ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô. Đây là ngôi nhà nổi bật nhất trong số 10 ngôi nhà truyền thống của dân tộc Tày được lưu giữ ở thôn Đồng Thanh. Trong căn nhà bằng đất trình tường ấy có chiếc bếp lửa truyền thống của người Tày.
Ông Phan Ngọc Sinh cho biết đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt: “Trên này là miền núi mà, mùa rét thì hay ngồi xung quanh lửa thôi. Trẻ con, người già, lúc nào xuống đến 7-8 độ, ngồi suốt ngày ở quanh nhà thôi. Có năm nào rét, vừa sưởi lửa, vừa luộc bánh Chưng, ngồi trong bếp quây quần, cả con cháu, anh em”.
Căn nhà cổ gần 100 năm của ông Phan Ngọc Sinh (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô) |
Bếp truyền thống của người Tày được làm từ những vật liệu đơn giản như gạch, trát bằng đất mịn không lẫn sỏi và thường có 1 tầng nên than lúc nào cũng đỏ rực, hơi ấm giữ được lâu. Bếp gồm có bếp chính và bếp phụ. Bếp chính thường được trát kín lên đến nồi hoặc chảo rất to để đun cám lợn hoặc nấu rượu. Bếp phụ nhỏ hơn cũng xây bằng gạch trát đất hoặc thay bằng kiềng ba chân, dùng để nấu cháo, nấu thức ăn. Ông La Sìu Quang, ở khu Bình Đẳng, thị trấn Bình Liêu, cho biết: “Trước thời các cụ cũng làm thế, đến thời con cháu cũng làm bếp cũ như thế thôi. Chẳng có thay đổi gì mới đâu. Cứ theo cái cổ truyền của dân tộc Tày mình và tiếp theo như thế thôi. (Bếp này mà nấu bánh Chưng chắc tuyệt vời ông nhỉ? PV). Tuyệt vời lắm. Nấu bánh Chưng thì chỉ cho 2 khúc củi nó cứ sôi phộc phộc, thấy cạn nước thì mình thêm nước thôi”.
Ông La Sìu Quang chia sẻ bếp lửa với người vùng cao luôn chiếm một vị trí không gian trang trọng. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao cho nên bếp lửa cũng có lúc vui, lúc buồn. Bởi thế, ông luôn răn dạy con cháu trong nhà phải giữ được nét truyền thống của cha ông. Chị Nông Thị Phương, con dâu ông Quang, bày tỏ: “Tôi là con dâu của gia đình, về đây, gia đình vẫn giữ được nếp văn hoá truyền thống tôi thấy rất là tốt. Con cháu phấn đấu noi theo bậc các cụ thôi. Ngày Tết, con cháu nội, ngoại sum vầy, rất đông vui, đầm ấm”.
Căn nhà hầu như mọi thứ còn nguyên vẹn theo thời gian - Ảnh: Tiến Cường/VOV |
Người Tày ở Bình Liêu tin rằng luôn có 1 vị Thần bếp lửa. Bởi thế ngay cạnh bếp chính bao giờ cũng đặt 1 ống tre, coi đây là nơi trú ngụ của vị Thần bếp lửa trong nhà. Vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt, mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng một, rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng Thần bếp lửa. Đêm 30 và sáng mùng 1 Tết, các gia đình thường cúng Thần bếp với lễ vật thịt, bánh, rượu. Có gia đình cúng thêm cá để cầu mong vị Thần bếp lửa sẽ giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.
Căn bếp nhà ông Sinh lúc nào cũng đỏ lửa - Ảnh:Tiến Cường/VOV
|
Người Tày cũng có quy định riêng trong việc bố trí vị trí của bếp lửa. Theo đó, bếp lửa không cùng hướng bàn thờ tổ tiên mà thường đặt ngang gian bếp. Người Tày coi bếp lửa là vị thần, chính vì vậy, bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh, gia chủ phải chọn được ngày lành, tháng tốt để làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ, tháng chẵn và ngày chẵn, tháng lẻ âm lịch đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa.Tuy nhiên ngày đẹp nhất chính là ngày 30 Tết khi thần bếp về trời báo cáo chuyện trần gian với Ngọc Hoàng.