Chùa trong đời sống tinh thần của người Khmer

(VOV5) - Người Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo nên ở đâu có sự hiện diện của họ thì ở đó không thể vắng bóng những ngôi chùa. Chùa không chỉ là điểm đến của tâm linh mà còn là trường dạy học, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer.

Chùa trong đời sống tinh thần của người Khmer - ảnh 1


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Chùa của người Khmer là một thiết chế cộng đồng tương tự như đình làng của người Việt, ngôi nhà chung của bà con các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Nhưng, ngôi chùa của người Khơme gắn bó mật thiết với người dân hơn nhiều. Với mỗi người đàn ông, từ thời thơ ấu cho đến tuổi đi học thì trường học đầu tiên chính là ngôi chùa. Trở thành người thành niên được cộng đồng công nhận, người đó phải trải qua những năm tháng tu hành ở chùa. Đám cưới, đám tang của người Khmer đều có sự tham gia của các vị sư sãi. Người Khmer thờ tổ tiên tại các ngôi chùa.

Không chỉ là một công trình tôn giáo, thể hiện tất cả tư duy, sinh hoạt của tôn giáo của người Khmer, chùa còn chứa đựng một kho kinh sách, kinh luận của Phật giáo, là nơi để tiếp khách xa gần. Người Khmer trọng vọng ngôi chùa và các vị sư sãi như chính gia đình thân thiết của mình. Ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho rằng: "Người Khmer coi ngôi chùa vừa thiêng liêng vừa thân thiết, vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa mang ý nghĩa hiện sinh của cuộc sống, nơi người ta đi lại để tham vấn bất cứ điều gì trong đời sống hàng ngày. Và người ta coi đó là niềm tự hào. Mọi năng lượng cộng đồng dồn hết cho ngôi chùa chứ người ta ít dồn cho chính ngôi nhà của mình".

Ngôi chùa của người Khmer bao giờ cũng được xây dựng bề thế, trang nghiêm, chạm khắc rất tinh tế, công phu với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút nằm giữa khuôn viên. Người Khmer xây tháp chùa cao bởi trong tín ngưỡng, chóp nhọn chính là đỉnh núi thiêng, trên đó các vị thần linh ngự và lan tỏa theo từng lớp, từng lớp mái. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, cho biết: "Chùa Khmer có kiến trúc vô cùng độc đáo, là kiến trúc cao vút, khác hẳn với kiến trúc của các chùa ở đồng bằng Bắc bộ. Trong một quần thể phum, sóc của người Khmer thì bao giờ ngôi chùa cũng được xây dựng trên một nền đất cao và nó hiện lên một cách sừng sững giữa cộng đồng. Cái bề thế của chùa Khmer khác hẳn, vì nó là nơi nuôi dưỡng cộng đồng, phản ánh toàn bộ sắc thái của kiến trúc chùa theo trường phái Nam tông".

Trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của người Khmer, bên cạnh kiến trúc nóc nhọn cao vút, điều dễ nhận thấy nữa đó là mái chùa thường chạm khắc nhiều hình tượng rắn Naga, một linh vật theo quan niệm của người Khmer là có công lớn trong Phật pháp. Rắn Naga có các hình tượng khá đa dạng, 3 đầu tượng trưng cho thiên - địa – nhân, 5 đầu là kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, 6 đầu biểu trưng cho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết chóc, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Đại đức Dương Quân, chùa Xiêm Cán, tỉnh Bạc Liêu giải thích về hình tượng rắn Naga: "Truyền thuyết xưa, lúc mưa to gió lớn, nước tràn ngập. Rắn rồng uốn thân mình tạo thành bệ cao làm chỗ ngồi cho Đức Phật. Khi Đức Phật ngồi trên đó thì con rắn rồng thể hiện sức mạnh làm nhiều đầu để che mưa gió cho Đức Phật. Từ chỗ đó, người ta thường lấy hình đầu rắn rồng để gắn lên mái chùa, nhằm nhớ lại công ơn của rắn Naga và kiến trúc chùa Khmer thường sử dụng như vậy".

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, khi so sánh với bất kỳ kiến trúc chùa chiền trên cả nước, chùa Khmer được đánh giá là đặc sắc nhất, tựa như một bức tranh thêu nhiều mầu sắc, phản ánh tín ngưỡng rất riêng của dân tộc Khmer: "Nhìn một ngôi chùa nó sặc sỡ, rực rỡ và rất uyển chuyển trong những mảng cấu trúc nhỏ, tạo ra sự ngập tràn hình ảnh. Qua đó, thấy mỹ cảm của người Khmer vô cùng tinh tế và giàu có. Họ giàu có hơn cư dân sống ở vùng sa mạc, vùng băng giá hoặc những cư dân lầm lũi làm ăn như người Kinh. Họ có một nền tảng mỹ quan rất lớn".

Chùa Khmer có ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, số lượng lên tới hơn 450 chùa lớn nhỏ. Dù xây dựng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng về kiến trúc, mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật, trong đó nhiều chùa Khmer cổ có vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và là điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Cả cuộc đời, mỗi người Khmer đều gắn bó vô cùng chặt chẽ với hoạt động của ngôi chùa. Đây vừa là nơi gửi gắm vong linh tổ tiên, vừa là nơi đào tạo các công dân cả về học vấn và văn hóa cư xử trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, trong quá trình đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa với bên ngoài ngày càng rộng lớn thì chùa Khmer vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tiếp tục góp phần hình thành nhân cách, tư tưởng của mỗi người dân Khmer.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác