Đặc sắc lễ hội xuân vùng cao

(VOV5) - Lễ hội xuống đồng hay còn gọi là hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Mường thường được tổ chức vào đầu tháng giêng âm lịch hàng năm. 

Mùa xuân là mùa của rất nhiều lễ hội, trải dài từ Bắc đến Nam. Với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, lễ hội đầu xuân càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là thời khắc quan trọng để bà con cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đặc sắc lễ hội xuân vùng cao - ảnh 1Nghi lễ rước vía lúa của người Mường, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn - Ảnh: tanson.phutho.gov.vn 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hầu như mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có những ngày lễ hội riêng, được xem như di sản văn hóa đặc biệt. Với đồng bào khu vực Tây Bắc, lễ hội tập trung chủ yếu vào tháng giêng, tháng hai của mùa xuân. Trong đó, cộng đồng người Tày, Nùng có Lễ hội Lồng Tồng; Cộng đồng người Thái, Mường có Lễ hội Cầu an; người Mông có Hội Gầu Tào; đồng bào dân tộc Tày, Dao có Lễ hội Xuống đồng…Từ nhiều năm qua, các lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Những lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng được phần nào khát vọng trở về cội nguồn, thể hiện nét sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Ông Nguyễn Bản cán bộ văn hóa ở tỉnh Hà Giang, cho biết: “Các hoạt động văn hóa đầu năm, đặc biệt là gắn với các lễ hội xuống đồng, lễ hội cầu mùa  trong những năm qua đã tạo động lực rất lớn, bà con các dân tộc rất vui tươi phấn khởi những ngày đầu năm và thông qua các hoạt động này thúc đẩy mối đoàn kết giao lưu giữa các dân tộc,  đồng thời khuyến khích bà con thi đua phấn đấu làm ăn..”.

Mỗi lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao đều mang nét bản sắc văn hóa riêng. Lễ hội xuống đồng hay còn gọi là hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Mường thường được tổ chức vào đầu tháng giêng âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc của lễ hội là nghi thức rước vía lúa có từ hàng ngàn năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người được bình an, khỏe mạnh. Những bó lúa đẹp nhất được rước, dâng cúng thần linh, sau những nghi thức tâm linh, lúa giống sẽ được phân phát về cho các bản, mở đầu cho mùa sản xuất trong năm. Lễ hội được tổ chức gắn với lễ hội thể thao văn hóa các dân tộc nên thu hút cả các dân tộc anh em khác đến chung vui. Những tiết mục văn hóa văn nghệ dân gian của các dân tộc khác như các địa múa của các dân tộc : Dao, Tày, Nùng, múa khèn của người Mông… trình diễn trong lễ hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết các dân tộc.

Đặc biệt, trong những lễ hội của động bào các dân tộc vùng cao thường diễn ra cùng với các trò chơi dân gian như: ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn, múa khốn, múa ụ, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, thi đua ngựa, bắn nỏ...Những trò chơi dân gian từ lâu đã trở thành hồn cốt của những lễ hội. Ném còn là  trò chơi cổ truyền độc đáo của đồng bào dân tộc Mường, Năm nào cũng vậy trong lễ hội cầu mùa xuống đồng đầu năm của đồng bào Mường không thể thiếu trò chơi ném còn. Những chàng trai cô gái tung quả còn nhiều màu sắc bay qua vòng tròn treo trên cao như sợi dây kết nối tình yêu, tình con người nơi bản Mường. Bà Hoàng Thị Quý dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình cho biết: “Từ bé tôi đã được tham gia trò chơi này, giờ vẫn chơi ném. Nhưng trò chơi này còn để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho đời sau”.

Đặc sắc lễ hội xuân vùng cao - ảnh 2 Mâm cơm cúng của các gia đình trong bản Mường dâng lễn Thành Hoàng Làng trong lễ xuống đồng - Ảnh: Báo Hòa Bình

Ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong khí rộn ràng đầu năm mới, đồng bào thường tổ chức nhiều lễ hội, trong đó phải kể đến lễ hội Gàu Tào, một lễ hội đặc sắc, tái hiện  hiện không gian văn hóa đậm đầ bản sắc của dân tộc Mông. Các nghi lễ trong Lễ hội Gàu Tào mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh với ý nghĩa cầu thần linh ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh. Các nghi lễ như nhắc nhở con cháu người Mông tiếp nối và giữ gìn các phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Tại Lễ hội Gàu Tào, khi tiếng trống được gióng lên cũng là lúc bà con người Mông hòa vào phần hội sôi động với các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ của các chàng trai người Mông như trò đẩy gậy, thi giã bánh dày, hay các màn vũ điệu thổi khèn đặc trưng của người Mông... Sự hứng khởi của lễ hội chính là động lực giúp bà con người Mông  hăng say lao động xây dựng cuộc sống mới nơi vùng cao. Về tham dự ngày hội tái hiện Lễ hội Gàu Táo tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, chị Thào Thi Sẩy dân tộc Mông ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào bởi vì đây là phong tục tập quán của dân tộc Mông được duy trì bản sắc văn hóa dân tộc từ trước tới nay. Sau những ngày lễ hội như thế này, bà con nhân dân sẽ hứng khởi bước vào vụ mùa sản xuất mới…”.

Với mỗi lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao, ý nghĩa chủ đạo vẫn là cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Đây cũng là dịp đồng bào các dân tộc được hòa mình vào những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau. Những lễ hội này vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa là sự tiếp nối những nét đẹp văn hóa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác