(VOV5) - Đây chính là nét độc đáo trong đám cưới của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận.
Như nhiều tộc người khác, đám cưới của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận cũng trải qua nhiều nghi thức từ đính ước, ăn hỏi đến lễ cưới… Với đồng bào Raglai, quyền quyết định trong lễ cưới đều do nhà gái nắm giữ. Đây chính là nét độc đáo trong đám cưới của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mặc dù theo chế độ mẫu hệ, nhưng trong tình yêu, chàng trai vẫn là người chủ động.
Ảnh baotintuc.vn |
Đồng bào Raglai ở Ninh Thuận cũng giống như một số tộc người vùng Trường Sơn Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ. Người có vai trò lớn nhất trong gia đình, cộng đồng là những người phụ nữ, người mẹ, người vợ.
Theo phong tục của đồng bào việc cưới vin, hôn nhân sẽ do nhà gái quyết định, sính lễ cũng do nhà gái lo liệu. Nghi lễ chính thức của đám cưới được tổ chức tại nhà gái. Ông C’Tơ Hòa, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cho biết: "Nếu bên chồng đi bắt vợ thì bên chồng sẽ không mất của gì. Bên vợ có lễ rất to. Lợn thì 1 tạ, có thể làm 1 con đến 3 con lợn để mời cả làng. Rượu khi cưới phải nấu 50 ché. Chúng tôi theo mẫu hệ nên chồng đi lấy vợ là phải ở nhà vợ luôn. Có con dù trai hay gái cũng lấy theo họ vợ."
Mặc dù cùng theo chế độ mẫu hệ, nhưng con gái Raglai không chủ động tìm hiểu các chàng trai vì theo phong tục, người con gái bày tỏ tình yêu trước sẽ bị xem là không thùy mị, nết na. Về điều này, ông Mai Thắm, thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, cho biết: "Yêu đương là do tụi nó tự xây dựng. Yêu đứa nào thì lấy đứa đó. Cha mẹ không ép buộc gả. Đàn ông phải tự đi tìm hiểu ưng thì lấy không ưng thì thôi. Nhà gái cũng không được tự đi gả chồng cho con."
Trước khi đi đến hôn lễ, đôi trai gái có thể "ngủ thảo" . - Ảnh baotintuc.vn |
Theo quan niệm của đồng bào Raglai, khi được các chàng trai đem lòng thương yêu thì người con gái có thể chọn để tiến hành “Ngủ thảo”. “Ngủ thảo” đến nay vẫn được xem là nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Raglai, dành cho các chàng trai cô gái chưa lập gia đình để họ tự do tìm hiểu. Theo ông C’ Tơ Hòa, tục “Ngủ thảo” của đồng bào là trong sáng không có chuyện “vượt rào”, bởi “vượt rào” trước hộ nhân sẽ bị cộng đồng trách phạt.
Trong quá trình “Ngủ thảo”, nếu đôi trai gái thấy không ưng thuận thì sẽ chia tay trong êm đẹp, không oán thán, hờn giận hay ghét bỏ nhau. Ngược lại nếu yêu thương, muốn gắn kết lâu dài, thì sau đó đôi trai gái sẽ xin gia đình hai bên cho phép tiến tới hôn nhân. Sau khi gia đình 2 bên đồng ý, nhà trai tìm ông mai bà mối, là những người lớn tuổi am hiểu phong tục tập quán, để sang nhà gái tiến hành hỏi cưới.
Ông C’Tơ Hòa cho biết: "Người mai mối sẽ đi tìm hiểu ngày giờ cho đảm hỏi. Bầu ông làm trưởng đoàn, phó đoàn mai mối để hẹn nhà gái, sau đó hai bên cùng gặp nhau. Những người mai mối phải là những người biết ăn biết nói, biết phong tục tập quán, biết lễ nghĩa thì mới làm được việc này."
Mặc dù theo tiết chế mẫu hệ nhưng chàng trai Raglai vẫn là người chủ động trong hôn nhân từ việc chọn đối tượng bạn đời đến việc đi hỏi vợ.
Trong ngày đi hỏi vợ, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái, thường là một sắp lá trầu xanh, một chùm cau tơ, cùng 1 chai rượu. Đây là buổi đầu gặp gỡ chủ yếu là tìm hiểu hoàn cảnh, dạm hỏi ý tứ gia đình hai bên.
Trong hôn nhân, sính lễ do nhà gái quyết định và hiển nhiên bố mẹ hai bên có những phụ giúp nhất định để trợ giúp cho đôi vợ chồng trẻ trong làm ăn, phát triển kinh tế về sau. Điều này cũng lý giải một phần vì sao những người con của đồng bào Raglai luôn kính hiếu với cha mẹ vì mẹ cha không chỉ sinh thành nuôi dưỡng con cái trưởng thành mà còn hỗ trợ giúp đỡ vật chất, của cải cho con cái đến tuổi lập gia đình.
Ông T’Năng Trắc, xã Phước Thắng, chia sẻ: "Trong phong tục của đồng bào Raglai thì con trai đi theo vợ. Gia đình sẽ cho bò, cho trâu để 2 vợ chồng trẻ phát triển kinh tế. Cha mẹ 2 bên cùng đóng góp cho con. Nhà gái thì cho đất đai, nhà cửa. Nhà trai thì cho trâu bò… để giúp vợ chồng trẻ làm ăn."
Với việc nắm giữ vai trò quyết định trong hôn nhân, lễ cưới chính sẽ được tổ chức tại nhà gái khi họ đã chuẩn bị được đầy đủ điều kiện về sính lễ, nhân lực và vật lực. Lễ cưới của đồng bào Raglai là 1 trong những sự kiện quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời được diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ và cộng đồng.