Dân tộc Kinh - dân tộc đông nhất Việt Nam

(VOV5) - Cộng đồng người Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau. Trong đó dân tộc Kinh còn gọi là người Việt chiếm gần 90% tổng số dân của Việt Nam. Người Việt cư trú khắp các tỉnh thành nhưng đông nhất là các vùng đồng bằng và thành thị. Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường. Phóng viên VOV5 giới thiệu những điểm đặc trưng cơ bản của người Việt.

Dân tộc Kinh - dân tộc đông nhất Việt Nam - ảnh 1
Áo dài - trang phục nữ hình thành từ đầu thế kỷ 20 - Ảnh: internet

Bấm để nghe âm thanh:



Trải qua bao thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam gắn bó với nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành độc lập, xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc hầu như đều có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá riêng. Bản sắc văn hoá của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các sinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế. Từ trang phục, ăn, ở, quan hệ xã hội, các phong tục tập quán trong cưới xin, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, văn nghệ, vui chơi của mỗi dân tộc lại mang những nét chung.


PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết để hiểu về một dân tộc việc đầu tiên phải biết về nguồn gốc. “Theo tư liệu sử Việt người Việt chính là nhóm Lạc Việt nằm trong khối Bách Việt gồm nhiều tộc Việt. Các nhóm Việt này về sau lập thành giang sơn riêng. Tư liệu sử học được minh chứng bằng các tu liệu khảo cổ học, các phát lộ khảo cổ học suốt hơn 40 năm qua liên quan đến thời đại các Vua Hùng đã khẳng định rằng, tổ tiên của người Việt cổ đã cư trú ở đây liên tục từ rất lâu đời, cư dân Việt cổ đã trực tiếp tạo ra những nền văn hoá có tính liên tục từ Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, Đông Sơn, dựa trên cơ sở kinh tế là nghề trồng lúa nước kết hợp với các nghề thủ công. Trong đó độc đáo nhất là nghề đúc đồng với sản phẩm mang tính đặc trưng là trống đồng. Điều này khẳng định người Việt là cư dân bản địa, sở tại sống trên dải đất Việt Nam từ rất lâu đời”.

Dân tộc Kinh - dân tộc đông nhất Việt Nam - ảnh 2
Hình ảnh chim Lạc trên mặt trống đồng của người Việt


Địa bàn cư trú của người Việt là trung du và đồng bằng bắc Bộ. Từ đầu thứ kỷ 11 do nhu cầu về đất đai, do đặc thù của thời phong kiến, người Việt tiến vào miền Trung,  mở đất, khai phá vùng Nam Bộ. Từ rất sớm, người Việt từ đồng bằng chuyển lên vùng Đông Bắc. Người Việt lên vùng Tây Bắc vào đầu thế kỷ 20, khi mà người Pháp thành lập ra các đô thị và ở Tây Nguyên cũng vậy. Nhìn chung các vùng Trung bộ, Nam bộ, Đông Bắc, Tây Bắc, tây Nam, người Việt có lịch sử tụ cư khác nhau nhưng ở đâu người Việt cũng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, hoà nhập với người dân tộc thiểu số sở tại, đồng thời phát huy được vai trò của tộc người có trình độ phát triển cao hơn để tạo ra một lực kéo đưa các vùng đó phát triển cùng với vùng đồng bằng.

Dân tộc Kinh - dân tộc đông nhất Việt Nam - ảnh 3
Các liền chị quan họ trong hội hát quan họ (Ảnh: internet)


PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết thêm: “Người Việt vốn là một khối thống nhất, nhưng trong quá trình chuyển cư đến vùng đất mới thì những vùng đất đó có điều kiện tụ nhiên khác nhau thì buộc người Việt phải thích nghi với môi trường sống để tồn tại. Trong quá trình đó người Việt có học tập, thích nghi với điều kiện sống của đồng bào thiểu số sở tại để tạo ra một nếp sống, văn hoá mới có sự kết hợp với vốn văn hoá của họ với văn hoá mà họ tiếp thu. ở vùng Đông Bắc địa hình khác, cũng làm nông nghiệp nhưng nông nghiệp trong thung lũng, chân núi nên người Việt không thể áp dụng với việc làm ruộng ở đồng bằng lên được mà phải tiếp thu những cái kiến thức nông nghiệp của dân tộc thiểu số. Như thời vụ cũng khác, áp dụng các công cụ kỹ thuật, cái cày ở miền xuôi khác lên đến miền núi người Việt lại sử dụng phần nhiều công cụ của người miền núi. Kỹ thuật cấy lúa, thu hoạch, người Việt cũng không thể đem vốn cái dưới đồng bằng lên, quan trọng là tiếp thu kinh nghiệm của người sở tại”.

Dân tộc Kinh - dân tộc đông nhất Việt Nam - ảnh 4
Trang phục cưới cổ truyền - Ảnh internet


Do điều kiện sống quần cư, người Việt kiếm sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng trọt ruộng nước là chủ đạo. Người Việt làm nông nghiệp dựa trên lịch mặt trăng, coi trọng yếu tố thời vụ. So với các dân tộc khác, người Việt làm ruộng đạt đến trình độ thâm canh cao. Không chỉ đạt hiệu quả cao trong trồng trọt, người Việt còn giỏi trong ngành chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm...song trước đây chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu theo mô hình gia đình. Cùng với tiến trình phát triển xã hội, chăn nuôi phát triển trở thành ngành chính, quy mô ngày càng được mở rộng. Thủ công nghiệp của người Việt khá phát triển với nhiều nghề như chế biến lương thực, thực phẩm, dệt và may mặc, gốm, đan lát, rèn.../.

Phản hồi

damphuonghoa

Bài này viết rất hay

Các tin/bài khác