(VOV5) - Mỗi khi gia đình sắm được chiếc ché quý hay khi bán hoặc cho ché đi, gia chủ sẽ làm lễ cúng ché để thông báo các thần linh và dòng tộc được biết.
Đối với người Êđê, ché không chỉ là tài sản thể hiện sự giàu có, sung túc mà còn mang tính linh thiêng. Ché có mặt trong các nghi lễ, lễ cúng trong đời sống tâm linh của người Êđê. Do vậy, mỗi khi gia đình sắm được chiếc ché quý hay khi bán hoặc cho ché đi, gia chủ sẽ làm lễ cúng ché để thông báo các thần linh và dòng tộc được biết.
Quang cảnh lễ cúng ché
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Một buổi sáng đầu mùa khô, khi công việc nhà nông đã tạm vãn, ngôi nhà dài của ông Y Wưt Mlô và bà H’Yươh Niê (ama amí Sem) ở buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’đrắk trở nên đông vui hơn hẳn bởi lễ cúng ché. Trong gian khách, các chàng trai trẻ phụ giúp các nghệ nhân và người già chuẩn bị cột nêu, buộc rượu, treo chiêng. Trong gian bếp, các chị em phụ nữ nhanh tay chuẩn bị các món ăn, đàn ông trung niên làm thịt heo, chuẩn bị lễ vật.
Ông Y Wưt Mlô cho biết, gia đình vừa có một năm may mắn, mạnh khỏe. Có chút dư giả, ông đã sắm thêm được chiếc ché Tang mới, nên tổ chức cúng nhập gia cho ché. Ông kể: "Gia đình chúng tôi mua được một cái ché mới nên tổ chức cúng để linh hồn của ché về ở với gia đình. Trước đây thời bố mẹ ngày xưa cũng thường xuyên cũng như thế này nhưng từ đó tới nay thì bà con cũng ít dùng, các lễ cúng như cúng ché mới hoặc cúng chiêng gì đó cũng ít dùng rồi. Nhưng gia đình chúng tôi vẫn muốn tổ chức để giữ lại truyền thống và sau này con cháu mình hiểu biết được truyền thống của cha ông xưa".
Người Êđê quan niệm, vạn vật đều có linh hồn. Ché được xem là một vật thiêng vì ché đựng rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong bất kỳ một lễ cúng nào. Mặt khác, rượu cần cũng thể hiện văn hóa giao tiếp của người Êđê, được gia chủ dùng để tiếp đón khách quý đến nhà; dùng làm quà tặng trong những dịp đặc biệt và là hiện vật có giá trị góp vào khi một gia đình trong buôn có lễ, tiệc. Ché vừa thân thiết, gần gũi lại vừa là vật thiêng nên người Êđê xem ché như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, lễ cúng ché cũng như là một nghi lễ để ché nhập gia, sống hài hòa và phù hộ, mang lại cho gia chủ những điều tốt đẹp.
Thầy cúng chuẩn bị các lễ vật
|
Lễ vật để cúng ché bao gồm 1 con heo thiến, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Nhất định phải có cây xoan, vì đây được xem là vật kết nối giữa con người và thần linh, nơi thần linh ngự về dự lễ.
Khi tất cả đã sẵn sàng, thầy cúng Y Rung Ksơr ở buôn Hoang xã Krông Jing, huyện Mdrăk thay mặt gia chủ, bắt đầu làm lễ cúng. Lễ cúng được thực hiện theo thứ tự các bước, cúng cho ông bà, tổ tiên, cúng cho các thần, cúng cho ché và cuối cùng là cúng cho gia chủ. Thầy cúng khấn mời thần núi thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cho phép gia đình được tổ chức lễ cúng; sau đó là nghi thức cúng cho ché. Lời khấn có đoạn: “Ơ dân làng buôn Tai, các Yang gần, Yang xa, gia đình ông Y Wưt dù có khó khăn, vất vả, cũng đã tiết kiệm, tích góp để mua được ché quý về ủ rượu cúng Yang. Gia chủ hôm nay tổ chức lễ đón ché Tang về nhà, xin được thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ, từ nay về sau gia đình sẽ coi ché như con cái trong nhà, được đối xử tử tế… vì thế, mong ché hãy chung sống vui vẻ, lâu dài, hòa thuận, đầm ấm và giúp đỡ các thành viên trong gia đình”.
Thầy cúng vừa khấn vừa đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào tai và cổ ché, với ngụ ý làm đẹp cho ché, kể từ đây ché đã trở thành thành viên của gia đình, sẽ được đối xử yêu thương, tôn trọng như con cái trong nhà.
Ông Y Phô Niê Kđăm, cán bộ văn hóa xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã rất lâu rồi trong buôn Tai mới có dịp được chứng kiến lễ cúng ché như thế này. Đây là một nghi lễ độc đáo tiêu biểu của người Êđê nhánh Mdhur và Blô nơi đây nhưng ngày nay ít nhiều đã bị mai một. Nay gia đình ông Y Wưt có điều kiện tổ chức được là một điều rất đáng quý. Ông Y Phô Niê Kđăm chia sẻ: "Tôi và người dân trong buôn nghe tin ông Y Wưt Mlô mua được chiếc ché mới. Hôm nay ông tổ chức cúng thì chúng tôi đến mừng với gia đình ông Y Wưt. trong quá trình ông làm rẫy rồi chăn nuôi gia súc, đến nay có được khoản tiền sắm ché Tang thì người dân chúng tôi rất mừng khi ông ấy có được tài sản đó".
Còn theo anh Y Bon Mlô, ở buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M Drăk, tuy được nghe những người già trong buôn kể về lễ cúng ché nhưng đây là lần đầu anh được tận mắt chứng kiến một lễ cúng ché thực sự. Chính vì thế, anh cố gắng dõi theo từng công đoạn của lễ cúng và ghi chép lại để lưu giữ. Anh tâm sự: "Mình là người trẻ thì khi thấy các cụ tiến hành công việc thì mình quan sát theo dõi và phải giữ gìn những truyền thống văn hóa này. Tôi cố gắng quan sát thật kỹ và ghi chép lại, từ cách thịt heo, chuẩn bị mâm cúng, lễ vật cúng rồi cách cột rượu, cách thầy cúng đọc lời khấn để lưu giữ lại và sau này có thể sử dụng, lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo".
Khi các nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiếng chiêng vang lên thay cho lời cảm ơn của gia chủ tới họ hàng, dòng tộc và bà con đến chung vui. Ấy là khi phần hội chính thức bắt đầu. Trong không khí rộn rã, mọi người quây quần quanh các ché rượu cần, uống chuyền rượu ở các ché, cùng ăn bữa cơm mừng cho gia chủ đã sắm thêm được chiếc ché quý.