Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho

(VOV5) - Người K’ho có nền văn hóa mang bản sắc riêng. Bản sắc ấy không chỉ tồn tại của các giá trị vật chất, tinh thần, mà còn thể hiện trong quá trình làm ra các sản phẩm dệt may. Thông qua hành trình dệt vải, tấm vải dệt, người phụ nữ K’ho gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận thế giới tự nhiên vào từng sản phẩm thổ cẩm.


Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho  - ảnh 1
Những người phụ nữ K’ho ngoài việc làm nương rẫy, lúc nông nhàn, bà con bắt tay vào dệt thổ cẩm. (Ảnh: baotintuc.vn)

Nghe âm thanh tại đây:




Cộng đồng người K’ho thường sống trên vùng núi cao với nền kinh tế tự cung tự cấp. Ngoài nguồn thức ăn dựa vào thiên nhiên núi rừng, người K’ho cũng sớm biết tự trồng bông, dệt vải tự may các trang phục cho  dân tộc mình. Nghề dệt thổ cẩm một thời rất phát triển trong cộng đồng người K’ho.  Theo truyền thống của người K’ho, phụ nữ phải lo cái mặc cho cả gia đình, bởi vậy các bé gái K’ho từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy dệt vải, may trang phục nên đa số phụ nữ K’ho đều biết dệt vải và nghề dệt thổ cẩm. Ông Nguyễn Khánh Nam, nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc ít người, cho biết: "Truyền thống dệt thổ cẩm của bà con dân tộc K’ho có từ xưa. Trước đây sống ở những vùng núi cao không gần chợ, nên bà con tự trồng bông dệt vải. Quá trình làm ra một sản phẩm dệt rất công phu, từ khâu se sợi, tẩm ướp cuộn thành chỉ cho tới khâu dệt thành sản phẩm là cả quá trình lâu dài". 


Biết dệt vải thổ cẩm, tự may trang phục cho gia đình cũng là một trong những tiêu chí mà những người đàn ông K’ho đặt ra mỗi khi chọn vợ. Trước đây, những cô gái K’ho đều phải tự tay dệt những tấm vải thổ cẩm. Ngoài việc làm những tấm áo váy đẹp cho gia đình, các cô gái K’ho còn phải dệt những tấm chăn ( tấm Ui) làm đồ sính lễ mang đến nhà trai trong ngày cưới. Những người phụ nữ K’ho ngoài việc làm nương rẫy, lúc nông nhàn, bà con bắt tay vào dệt thổ cẩm. Bà K’Thi Liên, dân tộc K’ho cho biết: bà học dệt thổ cẩm từ bà nội của mình và những người lớn tuổi trong làng rồi dân dần làm thành thạo. Tất cả các loại hoa văn trên vải thổ cẩm của người K’ho trước đây bà đều làm được:  "
Sống trong làng học làm từ ông bà, từ hồi nhỏ đến giờ làm miết. Mình vừa làm để bán vừa làm cho con cháu làm đám cưới. Trước đây làm chừng 20 chục tấm/năm, giờ dạy con cháu làm 5 chục tấm".


Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho  - ảnh 2
Khu dệt thổ cẩm và bày bán hàng lưu niệm trên đỉnh Lang Biang. (Ảnh: baotintuc.vn)


Công cụ dệt và khung dệt thổ cẩm của người K’ho khá đơn giản. Khung dệt của người K’ho chỉ dùng cho một người làm,  không đặt cố định. Bộ khung dệt làm bằng những thanh gỗ, tre, hay những ống lô ô, khi dệt mới được căng ra ,còn khi không làm được xếp gọn lại được. Nếu không có sản phẩm làm dở dang, thì khó có thể hình dung đó là khung dệt của đồng bào. Hoa văn dệt trên thổ cẩm của người K’ho khá đơn giản chủ yếu là hình thoi, hình tam giác kết nối vào nhau thành những đường viền và tạo nên điểm nhấn cho tấm khăn đẹp, hình khối chắc và mang nét đặc trưng riêng của người K’ho. Gam màu chủ đạo trên sản phẩm thổ cẩm của người K’ho thường là màu đen, màu trắng, ngoài ra còn có màu xanh, màu đỏ trang trí cho hoa văn. Tuy vậy, các sản phẩm thổ cẩm của người K’ho nổi tiếng bền đẹp và mang nét đặc trưng riêng. Ông  Nguyễn Khánh Nam cho biết thêm: "Những tấm dệt của người K’ho nổi tiếng bền, đẹp. Sản phẩm thổ cẩm của người K’ho dày dặn, nhưng mềm mại, thoáng mát và dễ sử dụng. Tuy nhiên, để dệt một tấm thổ cẩm thường mất rất nhiều công sức, nên người dệt thổ cẩm ngày một ít đi. Ngày nay phần nhiều chỉ người lớn tuổi còn giữ nghề thổ cẩm thủ công truyền thống".


Ngày nay, trong thời buổi hội nhập, giao lưu với các dân tộc anh em, hệ thống giao thông, hệ thống chợ phát triển mạnh mẽ, nên bà con các dân tộc có nhiều sự lựa chọn, tiện lợi trong việc lựa chọn vải, may trang phục. Cùng với sự phát triển của các loại hình du lịch, những tấm vải thổ cẩm thủ công đang được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng. Trong xu thế đó, nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào K’ho lại có cơ hội phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác