(VOV5) - Rượu cần của người K’ho là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa ở cả cách làm và cách thưởng thức. Người K’ho thường chỉ uống rượu cần khi có những công việc trọng đại như tiếp khách, mừng những ngày lễ lớn trong năm hay trong những nghi lễ thờ cúng. Nghi thức uống rượu cần trong cộng đồng K’ho góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của dân tộc này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những câu truyện cổ của người K’ho, nghi thức uống rượu cần và tục đánh chiêng luôn được nhắc đến. Truyện cổ K’ho cũng nói nhiều đến việc sử dụng rượu cần trong những dịp cúng Yàng (trời) như trong những truyện Nàng Ka Giơng, Chàng K’Pút con trai thần Mặt Trời... Rượu cần còn được sử dụng trong các lễ hội liên quan tới chu trình sản xuất nông nghiệp như tết đầu lúa, Tết mừng lúa mới hay trong các nghi lễ cưới hỏi, ma chay, tiếp khách.
Phụ nữ K'ho chuẩn bị ủ rượu cần
Trong các chuyện kể dân gian thì từ lâu đời người K’ho đã biết làm và sử dụng rượu cần.Theo cách làm truyền thống, nguyên liệu để làm rượu cần là những sản phẩm nông nghiệp, đó là loại gạo nương (gạo từ lúa trồng trên cạn ở sườn đồi núi). Cách làm rượu của người K’ho khá đơn giản. Đó là dùng gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng phơi khô.Trong khi làm, người K’ho cho thêm các loại hoa màu khác như: khoai mì, sắn, bắp... Người K’ho làm men rượu từ gạo và một số loại cây lá đặc trưng như cây đòng và cây me kà zút (tên gọi của người dân tộc K’ho). Sau khi hoàn tất, nguồn sơ chế được đổ vào ché, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau một tháng mới đem ra dùng. Khi uống lót lá chuối tươi ở phía trên, đổ nước lã đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đấy ché, uống cạn đến đâu lại chế thêm nước đến đấy. Rượu cần của người K’ho càng để lâu năm càng ngon, càng quý. Vì thế, vị khách nào được gia chủ mang rượu cần lâu năm ra mời thì vị khách đó rất được mọi người coi trọng.
Người K’ho quan niệm rằng “Những ché rượu là nơi trú ngụ của Giàng Tơr Nơm (thần rượu cần)”. Vì thế ché rượu là vật dụng thiêng và quý báu. Người K’ho không tự làm ra các ché đựng rượu, mà thường phải đổi nhiều thứ, đồ vật quý mới có được các ché rượu. Vì thế có những ché rượu cổ trị giá đến mấy chục con trâu. Trong quan niệm của người K’ho, sự giàu có của mỗi gia đình được đong đếm bằng số chiêng ché mà gia đình đó cất giữ. Cho đến nay, người K’ho vẫn lưu truyền phong tục sưu tầm các loại ché rượu. Ông Lưu Danh Doanh, nhà nghiên cứu các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, cho biết: "Đối với dân tộc K’ho hai vật dụng quý báu nhất, đó là bộ chiêng Đồng La ( gồm 2 chiếc) và các ché rượu cần. Trong mỗi gia đình người K’ho thì hầu như nhà nào cũng có ít nhất cũng phải có 2 cái . Ngoài mục đích là để cất rượu, thì số lượng ché rượu cần còn thể hiện sự giàu có của người K’ho. Nhìn vào các ché rượu cần, người ta có thể phân biệt được đẳng cấp giàu nghèo của cộng đồng người K’ho".
Trong sinh hoạt cộng đồng người K’ho, nghi thức uống rượu cần và tục đánh chiêng luôn gắn liền với nhau. Uống rượu cần trong tiếng chiêng tiếng trống, trong không khí hội hè khiến con người trở nên gần gũi, gắn bó. Nếu có hiềm khích chuyện cũ, dịp này cũng bỏ qua để cùng nhảy múa tưng bừng. Nếu ai có lỗi lầm thì luật tục "phạt rượu", cũng là cớ để cùng hòa giải, xóa bỏ lỗi lầm, để xóa đi cái mặc cảm mà hòa nhập trong sự cảm thông của cộng đồng. Trong ngày hội tưng bừng, thì trong tế lễ trang nghiêm, người uống rượu cũng tùy nghi lễ mà có cách mời chào, cách thưởng rượu khác nhau cho phù hợp. Theo phong tục của người K’ho, rót nước vào ché rượu mời khách phải là một cô gái trẻ đẹp khéo tay. Bởi người K’ho quan niệm rằng rót nước vào rượu mà không đổ ra giọt nào thì gia chủ làm lễ cúng mới gặp được may mắn. Nghi thức uống rượu cần dần dần gắn liền với sinh hoạt văn hóa, thành tục lệ không thể thiếu được trong đời sống của người K’ho trong quá khứ và một phần hiện tại. Chị K’ Thị Sơn, dân tộc K’ho, cho biết: "Trong đời sống văn hóa của dân tộc mình không thể thiếu rượu cần, ví như ăn Tết đầu lúa, đưa lúa mẹ đầu năm về nhà mình là phải có rượu cần. Mình học nấu rượu từ hồi ông già bà già, rồi làm theo. Năm nào cũng nấu rượu thường xuyên, không phải đến Tết đầu lúa mới nấu. Bây giờ người ta thấy mình làm nhiều, làm ngon người ta còn đặt làm".
Việc chế biến rượu cần ban đầu chỉ nhằm phục vụ cho các nghi lễ dân tộc, thì nay đã phát triển thành các làng nghề chế biến rượu cần phục vụ khách du lịch gần xa. Tại một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, nơi có nhiều đồng bào K’ho sinh sống, bên cạnh các làng nghề trồng hoa, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm, thì nghề làm rượu cần cũng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Nghề rượu cần của đồng bào K’ho chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa , tôn thêm vẻ đẹp vùng đất phía Nam Tây Nguyên.