Người Cơ Tu tạ ơn rừng

(VOV5) - Theo phong tục của người Cơ Tu, bước vào vụ gieo trồng mới trong năm, bà con thường tổ chức nghi lễ tạ ơn rừng. Nghi lễ này đã ăn sâu vào ý thức của người dân và trở thành nét văn hóa đậm bản sắc người Cơ Tu.

Cơ Tu là dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Người Cơ Tu sống khá tách biệt, chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên nên còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. 

  Người Cơ Tu tạ ơn rừng - ảnh 1Già làng tổ chức lễ cúng “Tạ ơn rừng” 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lâu lắm rồi, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mới được hoà nhập một không khí lễ hội quan trọng nhất trong năm mới - Lễ khai năm tạ ơn rừng. Từ sáng sớm, nhiều già làng, trưởng bản và đông đảo đồng bào Cơ Tu ở những bản làng xa xôi vùng cao huyện Tây Giang đã hội tụ về Làng sinh thái di sản Pơ mu ở xã A Xan để dự lễ hội. Sau lễ cúng tạ ơn rừng được tổ chức trang nghiêm tại rừng Pơ Mu, mọi người vui nhảy điệu tung tung da dá cầu mong năm mới mùa màng bội thu. Già làng A Lăng Đàn, ở thôn A Rớt, xã A Nông kể: Người Cơ Tu xưa nay sống nhờ vào rừng, từ cái ăn đến cái mặc đều là sản vật rừng. Lễ cúng rừng hay còn gọi là tạ ơn rừng của người Cơ Tu có thời xa xưa. Trước khi vào vụ mới, trong mỗi gia đình, bản làng đều làm lễ cúng. Mâm cúng có ché rượu, con gà, cá, xôi nếp, hoa quả... dâng lên thần rừng. Những năm đất nước chiến tranh, lễ tạ ơn rừng bị gián đoạn và dần mai một. Hôm nay, huyện tổ chức phục hồi lể hội này với qui mô lớn, già làng A Lăng Đàn và đồng bào Cơ Tu rất vui: "Tạ ơn rừng, từ lâu có rồi. Ông bà hồi xưa cũng giết con trâu mời  tâm linh núi rừng và linh hồi con người tổ chức kết nghĩa. Tổ chức kết nghĩa không bắt mình đau ốm, cùng chung sức chung lòng bảo vệ cây Pơ mu".

Làng sinh thái di sản Pơ Mu ở thôn Arầng 1, xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi rừng Pơ mu nguyên sinh  hơn 2000 cây được công nhận là cây di sản, nhiều cây to hàng ngàn năm tuổi. Khu rừng nguyên sinh Pơ Mu  nằm ở độ cao 1500 mét so với mực nước biển với hơn 450 héc ta đưọc người dân quen gọi là Vương Quốc Pơ Mu. Đây là cánh rừng nguyên sinh quý hiếm còn sót lại ở khu vực Đông Nam Châu Á. Có được cánh rừng vô giá này, đồng bào Cơ Tu ở 2 xã A Xan và Tr’hy nâng niu, gìn giữ, bảo vệ. Người Cơ Tu xem “Rừng là nhà, cây là con - Yêu rừng như yêu nhà, thương cây như thương con”. Mỗi khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng, họ luôn quan niệm là phải xin các đấng thần linh. Chặt một cây rừng dù to hay nhỏ, đều phải xin, họp dân và phải làm lễ cúng mới được chặt mang về. Anh Pơ Loong Plênh, người Cơ Tu ở xã Lăng khá am hiểu về văn hóa dân tộc mình cho biết, rừng Pơ mu ở Tây Giang gắn với câu chuyện văn hóa của người Cơ Tu. Ngày xưa các cụ, các già thấy cây gỗ nào tốt quí là họ gắn vào đó một vị thần. Pơ Loong Plênh nói nếu hạ cây thì bị thần bắt vạ phải ốm đau, bị làng phạt, vì vậy nhiều khu rừng quí giá đã gìn giữ đến ngày hôm nay: "Anh muốn làm nhà thì phải hỏi già làng. Rồi hạ như thế nào không hại cây con, dần dần thành câu chuyện văn hóa giữ rừng. Phát rừng làm rẫy là không bao giờ người ta chạm vào rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh".

  Người Cơ Tu tạ ơn rừng - ảnh 2 Đồng bào Cơtu trình diễn vũ điệu Tung tung da dá tại lễ hội “Tạ ơn rừng”

Ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam luôn trăn trở và tìm mọi cách để phục hồi, bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Theo ông Bh’riu Liếc, theo phong tục xưa kia của người Cơ Tu, nếu đầu năm chưa khai hội tạ ơn rừng thì người dân không được trao đổi buôn bán với bên ngoài, hay gieo giống vụ mới, tất cả phải xin thần linh, thần rừng và Giàng. việc tổ chức khôi phục, bảo tồn Lễ hội Khai năm tạ ơn rừng nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu: "Thấy bà con rất hồ hởi, phấn khởi và phấn chấn trở lại văn hóa làng của họ hồi xưa. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với bà con, nhất là các cụ già làng, hàng năm không những làm ở cánh rừng thiêng Pơ mu này mà làm ở các địa phương khác, dần dần để lễ tạ ơn rừng của người Cơ Tu trở thành văn hóa của miền Tây Quảng Nam đồng thời thu hút đầu tư du lịch".

  Người Cơ Tu tạ ơn rừng - ảnh 3Già làng, người dân cùng tham quan cây pơmu cổ gần 10 người ôm 

Ông Bh’riu Liếc còn cho biết: Ý thức bảo vệ rừng, sống gắn bó với núi  rừng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơ Tu. Ý thức ấy thể hiện trong câu hát dân ca: "Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát/ Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo/ Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở/ Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở/ Cho mùa màng ta luôn bội thu/ Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn...". Người Cơ Tu truyền dạy con cháu muôn đời luôn biết ơn và giữ lấy rừng. Rừng là nguồn sống, là nơi che chở bao thế hệ dân làng.

Ảnh: C.Bính/dantri

Phản hồi

Các tin/bài khác