Ông già đá trắng - Hòn đá thiêng của người Hà Nhì nơi biên ải

(VOV5) -Theo quan niệm của người Hà Nhì khối đá ấy được Giàng (trời) phái xuống giúp người Hà Nhì bảo vệ biên giới

Giữa ngút ngàn rừng xanh Lai Châu có một khối thạch anh tự nhiên cắm giữa đỉnh một ngọn núi đất ở bản Pá Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, giống một cột mốc án ngữ dải biên cương cuối trời Tây Bắc.

Theo quan niệm của người Hà Nhì ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu, khối đá ấy là"A pó ủ phú" - ông già đá trắng được Giàng (trời) phái xuống giúp người Hà Nhì bảo vệ biên giới

Ông già đá trắng - Hòn đá thiêng của người Hà Nhì nơi biên ải - ảnh 1Hòn đá trắng nằm ngay sát biên giới Việt Trung 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trên một quả đồi đất hoang vắng, nằm giữa dải rừng thâm u nơi núi rừng Pa Thắng, nổi lên một khối thạch anh màu trắng, cao khoảng 1,7m, chân đá rộng như một cái bàn lớn, vững chãi. Nhìn gần thì khối đá này gồ ghề, nhưng trông xa, khối đá như hình dáng một người đàn ông lớn tuổi, ngồi trầm tư với vẻ buồn u uẩn, mặt hướng về dòng suối lặng lẽ chảy dưới chân đồi.

Từ hình ảnh hòn đá trắng, bà con lưu truyền nhiều câu chuyện thần bí gắn liền với quá trình thiên di của người Hà Nhì. Người Hà Nhì ở vùng biên này kể rằng theo tập tục du canh du cư xưa, khi nương rẫy đã kiệt màu, dân bản lại đi tìm đất để dời nhà, làm nương mới. Có đôi vợ chồng trẻ trên đường đi tìm vùng đất mới, người vợ chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên quay lại lội qua suối về nhà lấy khăn. Không may đúng lúc đó xảy ra lũ lụt nhiều ngày. Người chồng đi tìm người vợ sau nhiều ngày không thấy, đến dòng suối nước chảy cuồn cuộn thì ngồi chờ đợi, rồi hóa thành hòn đá trắng.

Ông già đá trắng - Hòn đá thiêng của người Hà Nhì nơi biên ải - ảnh 2Hòn đá trắng cao hơn 1,7 mét, người Hà Nhì gọi là Ông già tóc tráng. Ảnh VTC 

Hòn đá Trắng được coi là cột mốc tự nhiên của biên giới, cách con đường tuần tra biên giới khoảng 20m và cách biên giới Việt - Trung khoảng 1m. Người Hà Nhì thì gọi Hòn đá trắng bằng một cái tên gần gũi hơn: ông già tóc trắng.

Lễ cúng Thần đá trắng thường được tổ chức vào ngày dần, gắn với lễ cúng rừng. Trước đây người Hà Nhì thường cúng rừng vào tháng 3, nhưng hiện nay, lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 12 dương lịch. Người Hà Nhì quanh năm suốt đời sống với rừng, nên ngày Dần, ngày con hổ theo quan niệm của bà con, là ngày đẹp nhất, vì con hổ là con vật mạnh nhất của rừng. Theo người Hà Nhì, việc chọn ngày Dần để cúng Thần đá trắng còn có một ý nghĩa khác. Họ cúng rừng thường vào ngày Dần, vì ngày Dần thường được coi là ngày chủ nhật của người Hà Nhì.

Ông Chu Gô Po, người Hà Nhì ở xã Thu Lũm, kể rằng: Mỗi bản có khoảng 10 hoặc 20 người có thể cúng được, tập trung nhau lại. Người ta chọn bằng cách bốc thăm, lấy một ít cuộng gianh  se lại. Cọng thì bẻ 1 đốt, cọng thì bẻ 2 đốt. Trong nắm cỏ gianh đó chỉ có duy nhất 1 cọng bẻ ba đốt. Tất cả để vào một ống tre nhỏ hoặc cắm vào một cái chén nhỏ, để các ông thầy cúng cùng rút. Ông thầy cúng nào rút được cọng cỏ gianh bẻ ba đốt thì sẽ được chọn làm thầy cúng năm đó. Ba đốt bẻ đó, theo quan niệm của người Hà Nhì là người đó ăn được, nói được và giao tiếp với thần linh được."

Ông già đá trắng - Hòn đá thiêng của người Hà Nhì nơi biên ải - ảnh 3Chỉ có một lối lên khu vực Hòn đá trắng. - Ảnh VOV4 

Lễ vật cúng thần đá trắng không thể thiếu 1 con lợn đen, 2 con gà, tất cả đều phải còn sống, và 3 quả trứng nhuộm đỏ; 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu. Bàn thờ được làm từ 4 cành cây thẳng khỏe, còn nguyên lá, chôn xuống đất, lại lấy tre giang đan phên liếp chia làm 3 tầng. Chân nhang, chai rượu, thuốc lào, thuốc lá, tiền giấy, được đặt vào bất cứ đâu trên tảng đá, từ chân cho đến đỉnh. Trong đồ lễ cúng Thần đá trắng bắt buộc phải có gói thuốc lào.

Ông Chu Xế Lù, xã Thu Lũm, giải thích: "Thuốc lào là bắt buộc, vì ngày xưa không thắp hương, chỉ thắp bằng thuốc lào người Hà Nhì trồng. Giờ phát triển lên rồi có thêm bánh kẹo. Ngày xưa các cụ dùng thuốc lào quen rồi, nên hiện nay cúng phải có gói thuốc lào". 

Vì Hòn đá trắng là hòn đá thần tự nhiên, là cột mốc biên cương thiên định, nên trong lễ cúng Thần đá trắng, bên cạnh đồng Việt Nam còn có một vài đồng nhân dân tệ.

Trong đồ lễ cúng phải có một ít chỉ, hoặc là sợi. Ông Chu Gô Po, ở Thu Lũm, bảo rằng phải có chỉ hoặc sợi, thì triết lý về mâm lễ cúng Thần đá mới tròn đầy. Sau khi chuẩn bị lễ cúng đầy đủ, chu đáo, mỗi gia đình có một người đại diện lên tham gia lễ cúng. Chỉ có đàn ông được tham gia, phụ nữ và khách không được có mặt. "Có chỉ vào mới đủ thành phần, mới đầy đủ “cơm áo gạo tiền” ấy. Vì có chỉ, chỉ mới dệt ra áo, khâu ra áo được. Còn bạc là tiền".

Hàng năm sau ngày Tết, bà con Hà Nhì lại lên đỉnh núi làm lễ cúng thần đá, cầu mong nương rẫy tốt tươi nhiều lúa vàng, nhiều ngô nếp; mong cho những đôi lứa được sống bên nhau, không phải chịu cảnh vợ mong chồng đợi. Những buổi cúng đá thiêng như thế, cũng chỉ có trai bản mới được vào khấn vái.

Không biết có phải nhờ Thánh thạch trấn yểm hay bởi tính hay lam hay làm mà người Hà Nhì sống ở khu vực quanh Thánh thạch bao đời nay đều sung túc. Người Hà Nhì còn truyền nhau câu chuyện rằng, ai chẳng may bị đau yếu lâu ngày mà lên chỗ ông già đá trắng cầu xin, người sẽ khoẻ ra. Theo lý giải của các già làng, điều này cũng có cái lý bởi lẽ khối đá tạo thành ông già đá trắng là đá thạch anh trắng. Đặc tính của thạch anh là có dương khí rất mạnh, vì trải qua vài triệu năm hình thành, đá thạch anh thu hút năng lượng dương cực mạnh, có thể đem đến sự may mắn trong cuộc sống và công việc, chống lại sự ảnh hưởng của năng lượng xấu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác