Phong tục nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lự ở Lai Châu

(VOV5) - Đối với người Lự, phụ nữ hàm răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp, càng hấp dẫn…

Tục nhuộm răng đen là một tập tục văn hóa độc đáo lâu đời của dân tộc Lự. Đối với người Lự, phụ nữ hàm răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp, càng hấp dẫn…

Nghe âm thanh chương trình tại đây: 

Phong tục nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lự ở Lai Châu - ảnh 1Đối với người Lự, phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp, càng hấp dẫn. 

Theo số lượng mới thống kê gần đây, cả nước chỉ có khoảng 5.500 người Lự, sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Phong Thổ, Tân Uyên  tỉnh Lai Châu. Dân tộc Lự biết làm ruộng nước từ lâu đời và làm nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn. Nghề trồng bông dệt vải phát triển ở hầu hết gia đình người Lự. Phụ nữ Lự có bàn tay thêu thùa khéo léo, may, dệt trang phục cho cả gia đình; nhất là váy, áo, khăn của thiếu nữ về nhà chồng trong ngày hôn lễ được thêu hoa văn thổ cẩm trang trí trên nền vải nhuộm chàm rất đẹp. Đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc Lự, hàm răng đen bóng vẫn là một tiêu chuẩn của nhan sắc. Phụ nữ Lự từ trẻ đến già đều nhuộm răng đen. Trên hàm răng đen nhánh hạt na ấy có hai cái răng cạnh bên phải được bịt vàng. Các cô gái Lự ngày xưa muốn lấy được chồng không thể bỏ qua tục nhuộm răng đen hoặc cấy răng vàng. Nét cười để khoe ra hàm răng đen, hay chiếc răng vàng thì dường như tươi tắn hơn trong mắt người Lự.

Ông Lò Văn Ngần, người dân tộc Lự, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho biết: tục nhuộm răng xuất phát từ quan niệm về chuẩn đẹp của người Lự: răng đen mới là răng đẹp, cô gái nào nhuộm răng đen mới có nhiều chàng trai để ý"Phong tục tập quán của chúng tôi là phụ nữ dân tộc Lự bắt đầu từ 13, 14 tuổi là nhuộm răng đen rồi, cho đến chết, khi nào rụng hết răng rồi mới thôi."

Đối với đồng bào Lự, hay một số đồng bào thiểu số miền Tây Bắc, tục xưa đã gắn với bản, với dân tộc từ ngàn xưa. Với đồng bào Lự, đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm mầu của đồng bào được lưu giữ một cách kỹ lưỡng.

Không biết tục nhuộm răng của người Lự có từ bao giờ, nhưng theo bà Tao Thị Én, ở bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, con gái Lự từ khi 13 – 14 tuổi đã bắt đầu nhuộm răng. Đó là điều bắt buộc đối với mỗi thiếu nữ trước khi về nhà chồng. Tối nào cũng vậy, sau khi cơm nước xong, người phụ nữ Lự ngồi bên bếp lửa nhuộm răng. Mỗi lần nhuộm chừng khoảng 1 tiếng.

Bà En bảo, đó là một nét đẹp của người phụ nữ Lự mà hơn 50 năm qua bà chưa hề từ bỏ: "Từ năm 14 tuổi tôi đã nhuộm răng rồi Đã là phụ nữ Lự là phải nhuộm răng, vừa đẹp vừa chữa được cả sâu răng nữa. Đến giờ tôi vẫn còn giữ thói quen này, cứ ăn cơm xong là mình vào bếp ngồi nhuộm, nhuộm xong mới đi ngủ. Tối nào cũng thế. Hôm nào không nhuộm răng, đi ngủ cứ thấy buồn buồn."

Giá trị thẩm mỹ của tục nhuộm răng đen, giờ đây, có thể người xuôi thấy lạc hậu, song người Lự thì khác, đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm màu độc đáo đã thành truyền thống của dân tộc.

Từ những nguyên liệu như cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh rừng để khoảng một tuần, khi được thì phết thuốc ấy vào hai mảnh lá cọ rồi ấp vào hai hàm răng vào lúc đi ngủ. Khi nhuộm răng thì phải kiêng nhai. Nhuộm như thế 5, 7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián thi bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1, 2 miếng là đen kịt lại, sau đó lấy dùng dao đốt nóng cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng sẽ có một nụ cười độc đáo, nhất là vào dịp du xuân thì những nụ cười độc đáo sẽ tràn khắp bản...

Đối với đồng bào Lự, hay một số đồng bào thiểu số miền Tây Bắc, tục xưa đã gắn với bản, với dân tộc thì bằng mọi cách giữ tục như chính sự sống của họ. Dường như người con gái Lự nhuộm răng đen để ý tứ giữ cho mình những nét duyên, giữ riêng cho người mình yêu. Nét duyên ấy còn thể hiện trong những điệu Khắp Lử “Hát Lự”. Khi tiếng sáo “Pấu Pí” đôi của người con trai gửi tình cất lên dìu dặt. Nụ cười của người con gái Lự và điệu Pấu Pí Khắp như lời trao duyên của đôi trai gái đang tâm sự yêu đương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác