(VOV5) - Khi đã tẳng cẩu lên rồi thì người phụ nữ không được tự tiện bỏ cẩu xuống (buông tóc), chỉ khi nào người phụ nữ trở thành bà goá thì lúc đó mới buộc phải bỏ cẩu, búi tóc ra phía sau như thì con gái.
Trong tục cưới hỏi của người Thái đen Tây Bắc nói chung, có một nghi thức không thể thiếu khi người con gái đi lấy chồng, đó là “tẳng cẩu”, tức là búi tóc ngược lên trên đỉnh đầu. Tẳng cẩu là một dấu hiệu cho mọi người biết người con gái đó đã lập gia đình.
Chị em phụ nữ Thái đen tẳng cẩu - Ảnh: VOV
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo tục lệ, khi con gái Thái đen kết hôn, nghi thức đầu tiên không thể thiếu trước khi cô dâu ra mắt họ hàng, là tẳng cẩu cho cô dâu. Để tiến hành tục lệ này, sau khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt, thống nhất được với gia đình nhà gái, nhà trai sẽ cử hai người phụ nữ đại diện đến làm lễ “tẳng cẩu” cho cô dâu. Họ phải là những người có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, khéo ăn nói, hiểu biết về phong tục tập quán, và họ cũng chính là người trực tiếp trải chuốt, búi tóc “ tẳng cẩu” cho cô dâu, dặn dò cô dâu những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng.
Bà Tòng Thị Song, năm nay hơn 80 tuổi, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, không nhớ được bao nhiều lần đi “ tẳng cẩu” cho con cháu, nhưng những lời cầu khấn, răn dạy khi làm thủ tục tẳng cẩu thì bà vẫn nhớ như in.
"Hôm nay, ngày tháng tốt, bên gia đình nhà trai không chê trách, nhận về làm con, mang cái lược sừng trâu về trải tóc tẳng cẩu. Từ nay trở đi, “tẳng cẩu” rồi thì thuyền theo lái, gái theo chồng. Đi rừng thấy cây măng đừng nhổ, ra đường thấy trai tân đừng liếc mắt bắt chuyện. Con gái có chồng thì nghe chồng, con trai có vợ thì nghe vợ, thuỷ chung son sắt, yêu thương nhau cho đến lúc đầu bạc răng long".
Phụ nữ dân tộc Thái khi lấy chồng đều phải tẳng cẩu - Ảnh: baovanhoa.vn
|
Đồ lễ không thể thiếu trong nghi thức “tẳng cẩu” được bên nhà trai chuẩn bị là 2 cặp búi tóc độn, mỗi búi to bằng nắm tay, dài khoảng từ 40-60cm, buộc chắc 1 đầu. Búi tóc độn này tiếng Thái gọi là “Trọng”. Đây chính là những sợi tóc rối được những người phụ nữ bên nhà trai gom lại theo năm tháng sau mỗi lần chị em chải tóc. Mái tóc càng dày, càng mượt thì sẽ càng dễ búi, dễ quấn và có một “tẳng cẩu” to, đẹp trong mắt mọi người.
Tuy nhiên, cũng có phụ nữ Thái đen khi lấy chồng không tẳng cẩu, do sự thoả thuận của vợ chồng, do đặc thù ngành nghề công tác… Nhưng quan trọng hơn là phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên gia đình, vì tránh điều tiếng trái với thuần phong, mỹ tục. Vì vậy, dù không “ tẳng cẩu”, nhưng vẫn phải làm lễ “ khửn cẩu” theo phong tục tập quán của dân tộc mình trước khi về làm dâu. Có nghĩa là nhà trai vẫn phải có đủ búi tóc độn, 1 cái trâm cài tó, đôi lắc tay, đôi bông tai bằng bạc trắng, cuộn vải thổ cẩm, dây lưng vải thổ cẩm nhuộm màu xanh lá cây, cái gương, cái lược… trực tiếp trao tặng cho cô dâu. Ông Tòng Văn Hịa, thầy cúng ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Theo phong tục tập quán của người Thái đen, con trai con gái được tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi 2 người yêu nhau thì sẽ báo cáo bố mẹ 2 bên gia đình, trải qua các thủ tục nghi lễ ăn hỏi, cưới xin của dân tộc, trong đó có đồ lễ mang đi “ khửn cẩu".
Tẳng cẩu của phụ nữ Thái rất đẹp - Ảnh: baovanhoa.vn
|
Trước khi làm lễ “tẳng cẩu” hay “khửn cẩu”, nhà trai sẽ mang sang nhà gái 2 con gà luộc, 2 gói nếp xôi, 2 chai rượu, 2 cặp trầu cau… tất cả đồ lễ đều thành đôi, không làm lẻ, với mong muốn vợ chồng sẽ sống hạnh phúc trăm năm. Mâm lễ này sẽ được đặt cúng trước bàn thờ tổ tiên của gia đình nhà gái, để nhà trai kính báo với tổ tiên bên gia đình nhà gái, xin phép được tẳng cẩu, khửn cẩu cho con, mong tổ tiên phù hộ độ trì. Cúng xong, những đồ lễ sẽ được mang ra để mọi người có mặt trong nghi lễ quan trọng này cùng ăn uống, chúc phúc cho đôi uyên ương. Thầy cúng Tòng Văn Hịa cho biết: "Lời cúng như thế này: Không cáo không biết mặt, không nhắc không biết tên. Hai bên gia đình, một bên có con trai, một bên có con gái, và 2 người đã phải lòng nhau. Hôm nay, chọn được ngày lành, tháng tốt, bên nhà trai mang đồ lễ dâng lên tổ tiên, xin được làm lễ tẳng cẩu cho con dâu, cho phép 2 con được thành vợ thành chồng. Chúc cho 2 con ở về chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung đệm, đắp chung chăn, nguyện chung sống với nhau như 2 đôi đũa, như đôi chim cu gáy quấn quýt bên nhau; yêu nhau từ ngày còn son cho đến lúc đầu bạc, răng long; xấu không được chê, già nua không được bỏ, ốm đau không được từ, vợ chồng thuỷ chung cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay”.
Trong hôn nhân của người phụ nữ Thái đen Tây Bắc, “tẳng cẩu” hay “khửn cẩu” vẫn được lưu truyền trong các bản làng. Khi đã tẳng cẩu lên rồi thì người phụ nữ không được tự tiện bỏ cẩu xuống (buông tóc), chỉ khi nào người phụ nữ trở thành bà goá thì lúc đó mới buộc phải bỏ cẩu, búi tóc ra phía sau như thì con gái.