(VOV5) - Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, gia chủ sẽ mời anh em, họ hàng thân thích cùng nhau ăn uống vui vẻ và chúc mừng đầy tháng cho bé với những điều tốt đẹp nhất.
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La thường làm lễ thôi nôi cho em bé sinh ra khi đầy tháng. Tục thôi nôi của bà con được làm đơn giản, không cầu kỳ, không tốn kém về vật chất, thời gian nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống sâu sắc của đồng bào Thái.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo tục lệ, khi người phụ nữ Thái sinh con, cả hai mẹ con thường phải nằm cữ cạnh bếp lửa nhà sàn của gia đình mình từ 5 đến 10 ngày mới được chuyển sang buồng ngủ chính của mình. Việc cho mẹ con em bé nằm cạnh bếp lửa để thuận tiện cho việc sưởi ấm, đảm bảo sức khoẻ cho 2 mẹ con bé mới sinh, nhất là trong mùa đông lạnh giá.
Cái địu bà ngoại làm cho em bé người Thái. Ảnh: VOV |
Khi em bé được 1 tháng tuổi, gia đình sẽ đi mời thầy cúng về làm lễ thôi nằm cữ (lễ thôi nôi- đầy tháng) cho bé ( tiếng Thái gọi là “ Tam nhá bươn”). Ông Tòng Văn Hịa, hơn 80 tuổi, một người am hiểu về phong tục tập quán dân tộc Thái ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Theo phong tục người Thái từ trước đến nay, khi bà mẹ sinh con được ngày, được tháng thì phải làm tục thôi nôi, cúng sửa lại hồn, vía cho cả 2 mẹ con sau khi hạ sinh “mẹ tròn, con vuông”. Cầu cho người mẹ được khoẻ mạnh, để tiếp tục nuôi con. Còn bé thì mau ăn, chóng lớn. Trong khi cúng đầy tháng cho bé, thì cắt cử người làm cái địu, đan cái nôi và cái “tạy ho”. Nói chung nếu không làm thủ tục thì sợ mọi điều không may mắn, em bé không khoẻ mạnh như các em bé khác.
Cái nôi do ông ngoại đan cho em bé. Ảnh: VOV |
Trước khi làm lễ cúng, bà ngoại của bé sẽ có trách nhiệm làm địu cho cháu. Địu làm bằng vải thổ cẩm nhuộm chàm, mặt địu có thêu thùa nhiều hoa văn, hoạ tiết, diêm dúa đẹp mắt. Ông ngoại bé sẽ đan cái nôi bằng tre. Cái nôi được đan chắc chắn, rộng rãi, thoáng mát giúp bé ngon giấc mỗi khi được đặt vào nôi. Và ông nội của cháu sẽ đan “tạy”, một giỏ đan bằng tre, chiều rộng bằng cái lọ tăm, dài khoảng 10-15cm, có dây để buộc treo, hoặc có que để cắm lên mái nhà bên trong. Theo quan niệm của đồng bào, “tạy” chính là hồn vía của mỗi người khi được sinh ra và luôn ở trên cao để che chở, phù hộ độ trì, tránh điềm xấu cho chính con người mình.
Giỏ tạy có 2 loại là tạy nam và nữ. Tạy nữ đơn giản hơn, gọi là “ ho dạ”, được cắm bên trong mái nhà, trên gian ngủ bên sàn (gọi là hỏng tang chan). Còn tạy nam được buộc thêm những vật dụng như cung tên, túi vải bé, quạt nhỏ (tượng trưng) và được cắm bên trong mái nhà, trên gian ngủ phía đầu hồi giáp với gian thờ (gọi là hỏng tang quản). Nếu ai để ý, khi đến nhà sàn người Thái Sơn La, nhìn lên mái nhà bên trong, từ đầu hồi bên trái đến bên phải cũng có thể đếm biết được số thành viên, nam, nữ trong gia đình.
Vào ngày làm lễ thôi nôi, gia đình có bé mới sinh còn chuẩn bị một mâm lễ cúng. Bà Tòng Thị Vinh, mo cúng ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Mâm cúng gồm có áo của bố, mẹ và bé, con gà, trứng gà, con cá, ít thịt lợn, trầu cau, nén hương và tất cả các đồ lễ chính như: Cái địu, cái nôi, cái tạy bắt buộc phải được làm xong trong buổi để đặt cúng ngay tại gian ngủ của mẹ và bé. Vì người ta quan niệm từ cái địu, cái nôi đều có hồn có vía trông nom, bảo vệ bé trong suốt quá trình còn nằm nôi”."
Người mẹ địu em bé lên lưng. Ảnh: VOV |
Sau khi cúng xong, người mẹ sẽ địu em bé lên lưng. Cái nôi tre đan cũng được mắc lên xà nhà bằng 2 dây thừng bện thật chắc chắn và đặt bé nằm ngủ, có người đưa nôi. Còn chủ nhà sẽ mang cái giọ tạy của bé lên cắm, hoặc treo lên. Trong gia đình đồng bào Thái, chỉ khi người nào trong gia đình chết đi thì mới gỡ “ tạy ” của người đó xuống. Ngược lại, khi gia đình có thêm thành viên mới thì sẽ đan thêm một giỏ tạy mới để bổ sung. Việc đan tạy cho bé khi mới sinh ra phải là người đàn ông trụ cột, có vai trò quan trọng nhất trong gia đình đảm nhiệm.
Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, gia chủ sẽ mời anh em, họ hàng thân thích cùng nhau ăn uống vui vẻ và chúc mừng đầy tháng cho bé với những điều tốt đẹp nhất. Nói về bài cúng khi làm lễ thôi nôi, mo cúng Tòng Thị Vinh cho biết thêm: "Mẹ tròn con vuông rồi thì cúng. Cúng mừng con trai, con gái khoẻ mạnh. Cúng cảm ơn bà nôi khéo du con ngủ say giấc, cảm ơn bà địu khéo bồng khéo bế, khéo địu. Cúng từ hồi con nhỏ mới lọt lòng mẹ, từ con mới biết ăn trứng, từ ngày mẹ địu trên lưng, trẻ nhỏ mới có tên, gà con mới có lông. Cúng xong rồi, xin phép mang “ tạy” lên cắm, lên treo. Tạy ở cao sẽ luôn phù hộ độ trì, tạy ở trong đừng ra, tạy ở ngoài cho nhập."
Từ xa xưa, người Thái Sơn La đã có câu nói rất vần: “ Êm nai dệt là, ải tà xàn ú, ải pú xàn tạy”. Có nghĩa là: “ Bà ngoại làm địu, ông ngoại đan nôi, ông nội đan tạy”. Tục thôi nôi của đồng bào Thái đen và Thái trắng ở Sơn La tuy có một vài điểm khác nhau, nhưng đều được bà con duy trì từ đời này qua đời khác, thực sự là nét đẹp văn hoá tâm linh không thể thiếu mỗi khi nhà có thêm thành viên mới.