AI viết văn: “Đối thủ” hay công cụ của các cây bút trẻ?

(VOV5) - Sử dụng các phần mềm hỗ trợ viết văn hay chuyển ngữ là có lợi hay có hại? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng. 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Đối với nhiều người viết ở Việt Nam, nhất là với những tác giả thuộc thế hệ 5x, 6x, câu chuyện máy móc thay thế con người trong lĩnh vực văn chương có vẻ vẫn là một viễn cảnh xa xôi, một tình tiết xuất hiện trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hoặc ở một đất nước xa xôi nào đấy. Tuy nhiên, với đội ngũ cầm bút có tuổi đời trẻ hơn, như nhà văn Phan Hồn Nhiên, AI viết văn đã là chuyện “thường ngày ở huyện”: "Trong lĩnh vực sáng tác, có một số dòng văn học mà trí tuệ nhân tạo có thể làm được. Ví dụ như dòng văn học cần tới yếu tố cấu trúc và  nó có thể lập trình được, như trinh thám."

Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, trí tuệ nhân tạo ngày càng có nhiều bước đột phá. Các sản phẩm của máy móc dần có “diện mạo” giống với sáng tác của con người, thậm chí đủ sức đánh lừa nhiều người thẩm định có chuyên môn. Điều này có thể khiến nhiều người sợ hãi, nhưng mặt khác, cũng đem đến những công cụ đắc lực hỗ trợ cho người viết.

AI viết văn: “Đối thủ” hay công cụ của các cây bút trẻ? - ảnh 1

Cuốn sách NYM - tôi của tương lai, là cuốn sách do trí tuệ nhân tạo viết đầu tiên tại Việt Nam – là sản phẩm của hơn 3 năm nghiên cứu về lõi trí tuệ nhân tạo cùng chương trình robot tổng hợp, phân tích dữ liệu (machine learning) của nhóm nghiên cứu cùng tác giả Nguyễn Phi Vân với vai trò người định hướng, tổng biên tập. - Ảnh; Báo Thanh niên/

Bạn Kiều Chinh, một người nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực văn chương chia sẻ: "Bây giờ người ta đã có nhiều ứng dụng khác để hỗ trợ viết văn rồi. Ví dụ có một ứng dụng tên là Once upon a time, gọi là ứng dụng Ngày xưa ngày xưa nhưng nói chung nó vẫn bằng tiếng Anh thôi. Nó cho phép chúng ta chỉ cần điền một vài từ khóa, và rồi nó sẽ trả lời cho chúng ta tiếp theo là sự việc, nhân vật này tiếp theo làm gì, kể chuyện như thế nào. Đây là ứng dụng hỗ trợ chúng ta kể chuyện. Còn một ứng dụng khác Banter Bot, chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi cho con rô-bốt đấy thôi. Ví dụ nhân vật này có thể làm gì, sự việc tiếp theo có thể như thế nào. Và nếu chúng ta chưa ưng ý thì có thể hỏi tiếp. Nhìn từ góc độ lạc quan, chúng ta có thể dùng nó như một người gợi ý viết cho chúng ta rất là nhiều."

Bạn là một người viết đang bí ý tưởng? Bạn có hình dung về câu chuyện nhưng chưa biết phải phát triển nó ra sao? Với những gì đã có sẵn công thức, các ứng dụng máy tính hoàn toàn có thể đưa ra nhiều gợi ý để giúp bạn cho ra đời những tác phẩm ở mức chấp nhận được, hoặc thậm chí có thể được công chúng đón nhận. Đức Anh, một tác giả trẻ viết trinh thám, khẳng định:: "Thực tế, ngày nay thì có nhiều nhà văn sáng tác theo công thức và đơn đặt hàng. Điều đó không thể đáng giá được lợi hay hại cho văn chương. Chính vì công thức nên họ giữ được mạch truyện của họ, bản năng sáng tạo của họ. Và đôi khi có những ý tưởng tốt nhưng nhà văn không biết triển khai tiếp thế nào thì chính những câu chuyện của công thức lại giúp họ hoàn thành được tác phẩm, ít nhất có được một bản thảo đã. Chúng ta đã từng có những bộ phim và trên mạng đã có những truyện tranh do trí tuệ nhân tạo viết, thậm chí nó rất được yêu thích. Đôi khi trí tuệ nhân tạo có thể làm được tốt hơn con người ở rất nhiều điểm. Ví dụ miêu tả được chính xác những thứ mà viết văn tưởng tượng ra đôi khi bị sai lầm."

Trong lĩnh vực dịch thuật, sự hỗ trợ của máy móc cũng không thể phủ nhận. Ở dạng sơ khai, chúng ta có Google dịch. Còn ở lĩnh vực chuyên sâu hơn, người dịch có thể sử dụng phần mềm dịch Trados. Dịch giả Hà Yên, người từng dịch tiểu thuyết Rose của nhà văn Louisa May Alcott cũng có những chia sẻ thẳng thắn: "Cái giá trị của phần mềm không được xem là lớn. Nó thuận lợi về mặt giao diện, tức là nó sẽ tách từng câu ra. Thay vì phải nhìn trên bản word thì ở đây rất tiện lợi là mình có thể nhìn được từng câu. Và câu nào mình dịch sót thì phần mềm hiển thị luôn. Có một cái cần phải nói đến nữa là phải phân ra là bạn sử dụng Trados dưới dạng mình hack, tức là mình dùng bản không phải là bản quyền và bản có bản quyền, nó có cái khác nhau. Nếu mà là bản quyền thì mình có thể liên kết với tài nguyên dịch của rất nhiều người dịch khác nhau. Như thế, thuật ngữ để mình dùng rất là nhiều." 

Sử dụng các phần mềm hỗ trợ viết văn hay chuyển ngữ là có lợi hay có hại? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng. Với vai trò là một công cụ, trí tuệ nhân tạo đem đến sự hỗ trợ đắc lực cho những cây bút có thế mạnh về công nghệ và ngoại ngữ. Nhưng mặt khác, máy móc cũng dần trở thành một đối thủ đáng gờm với người viết, kích thích khả năng sáng tạo của người cầm bút.

Theo tác giả Hiền Trang chỉ có sự sáng tạo không ngừng mới là điều khiến trí tuệ nhân tạo không thể bắt kịp con người: "Trong thế giới mà AI không chỉ viết văn mà còn là độc giả của thì có ý nghĩa gì với mình. Và liệu chúng ta còn cần tới nhà văn nữa không khi mà AI có thể viết văn, thậm chí còn viết hay hơn cả người cầm bút nữa. Với cá nhân thì mình thấy rằng văn chương là tiếng nói của con người và vì thế mình cũng muốn thể hiện bày tỏ quan điểm riêng về việc tại sao AI không thể thay thế được con người. Đối với tất cả người viết trên đời này, họ viết cho chính mình thôi. Họ viết không phải là để muốn nói một điều gì, mà họ có cái gì đó để viết. Chừng cảm thấy mình có cái gì đó để nói thì mình sẽ viết. Thế nên chẳng có gì áp lực gì cả."

AI viết văn: “Đối thủ” hay công cụ của các cây bút trẻ? Câu trả lời phụ thuộc vào bản thân người sáng tác hoặc dịch thuật văn chương. Khi làm chủ được công nghệ, họ sẽ làm chủ cuộc chơi với các phần mềm máy tính. Và khi nhận thức được mức độ phát triển của khoa học kĩ thuật, họ sẽ đủ tỉnh táo để không ngừng sáng tạo, để một hiện tại AI viết văn không bao giờ trở thành tận thế của nhân loại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác