(VOV5) - Vậy thì trước tiên chắc cũng phải đồng ý với nhau về khái niệm thế nào là Nghệ thuật Hà Nội cái đã.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bức tranh Thiễu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân. |
Như về hội họa, thì hội họa Hà Nội nghĩa là thế nào? Là tranh vẽ của các tác giả người Hà Nội? Là tranh được sáng tác ở Hà Nội? Là tranh được trưng bày mua bán ở Hà Nội? Là tranh vẽ phong cảnh, con người Hà Nội? Nhưng ai là người Hà Nội? Sinh ra, lớn lên, học hành, lấy vợ đẻ con ở Hà Nội thì là người Hà Nội? Hay cứ có hộ khẩu Hà Nội thì là người Hà Nội? Hoặc không hộ khẩu nhưng về sống và sáng tác ở Hà Nội thì là nghệ sỹ Hà Nội? Là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội thì là họa sỹ Hà Nội?
Có lúc tôi đã nghĩ Nghệ thuật Hà Nội là tất cả tác phẩm nghệ thuật của những người sinh cơ lập nghiệp tại Hà Nội và đã có cơ duyên bắt rễ vào cái mạch văn hóa loại biệt của đất Hà Nội, đã trở thành một phần của dòng chảy văn hóa ấy. Khía cạnh bắt rễ văn hóa trong cách hiểu này là quan trọng hơn khía cạnh sinh cơ lập nghiệp có tính chất hành chính. Nhưng như thế nghĩa là phải có một dòng chảy văn hóa Hà Nội nó ngâm tẩm tẩy rửa nhuận sắc cho mọi cư dân ngụp lặn sinh tồn trong đó. Cái dòng chảy văn hóa ấy ở đâu mà ra chứ? Mới chợt vỡ nhẽ rằng đây cũng lại chỉ là một ngộ nhận, một tưởng tượng lười biếng muốn quy trách nhiệm cho Đất về cả cái hay lẫn cái dở của đời người. Người làm ra văn hóa nghệ thuật chứ có phải đất đâu. Ừ thì đất cũng có văn, nhưng cái văn ấy chỉ khiến con hổ Siberia khác con hổ Đông Dương chút xíu về thể chất và hình hài thôi chứ không thể khiến chúng tạo tác nên cái gì được.
Trong chuyện đang bàn, tôi nghĩ Nghệ thuật Hà Nội nên được hiểu là những tác phẩm của các tác giả được cho là đại diện của Hà Nội ở một thời kỳ nhất định. Do vậy, Nghệ thuật Hà Nội có những bản sắc khác nhau ở từng thời kỳ khác nhau.
Hãy bàn thêm về hai chữ đại diện. Những họa sỹ nào có thể đại diện cho hội họa Hà Nội? Cứ lấy nhãn quan của một người ngoại quốc hoặc một người quan tâm đến hội họa nhưng không có quan hệ yêu ghét gì với các nghệ sỹ ở Hà Nội, thì đại diện cho hội họa Hà Nội rõ ràng là những họa sỹ sinh sống làm việc ở Hà Nội và có tiếng nhờ tác phẩm của mình. Tranh của họ có mặt tại các phòng tranh có uy tín của Hà Nội, hoặc ở ngay xưởng vẽ của họ tại Hà Nội. Ai đến Hà Nội cũng nghe tiếng họ là họa sỹ ở đây, và có thể tìm thấy mọi thông tin về họ và tác phẩm của họ ở những nguồn tin chính thống hoặc không chính thống. Dù danh tiếng ấy có thế nào đi nữa thì cũng vẫn là cái khiến cho họ trở thành đại diện một thời của hội họa Hà Nội. Không thể chỉ vì không ưa tác phẩm hoặc con người của họ mà bảo tác phẩm của họ không phải là Nghệ thuật Hà Nội. Sự chọn lọc của thị trường nghệ thuật cũng là sự chọn lọc của giới công chúng yêu chuộng nghệ thuật, mà dù công chúng ấy có vớ vẩn thì cũng vẫn cứ là công chúng, hay dở gì cũng là đại diện cho Hà Nội một thời kỳ nhất định. Nói chỉ có Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương mới có bản sắc văn hóa Hà Nội là nói theo quan điểm của người chỉ muốn chấp nhận giá trị lãng mạn tiểu tư sản thị dân đậm chất thuộc địa Pháp là đại diện cho văn hóa Hà Nội. Than rằng bản sắc Hà Nội nay đã tan loãng nhòe nhoẹt cả rồi chỉ là tâm lí hoài cổ của người đã chót chỉ yêu chung thủy cái phiên bản lịch sử đã qua của Hà Nội đó thôi.
Trong thế kỷ 20 tôi không thấy có một phong cách, hoặc trường phái nghệ thuật Hà Nội nào cả. Ấy là hiểu theo nghĩa của thuật ngữ Phong cách và Trường phái nghệ thuật mà thế giới vẫn dùng. Nói cách khác, về mặt mỹ học cũng như lịch sử mỹ thuật thì Hà Nội không có một phong cách nào làm đại diện cho mình. Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, cùng rất nhiều họa sỹ khác ở Hà Nội đều có phong cách riêng của mỗi người. Nhưng không thể nói phong cách của ai có thể là đại diện cho Hà Nội – là Phong cách Hà Nội. May mà như vậy. Nó chứng tỏ Nghệ thuật Hà Nội đã tiến hóa vượt khỏi tầm thủ công mỹ nghệ.
Bức tranh Điệu múa xưa của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. |
Còn về bản sắc văn hóa Hà Nội trong nghệ thuật tạo hình thế kỷ 20 thì nhất định là có, nhưng là ở phương diện lịch sử, với nghĩa là những đặc tính khác biệt, và do vậy không phải là hằng số phi thời gian. Theo cách tôi nhìn, bản sắc ấy quả thật cũng phong trần như lịch sử:
Từ đầu thế kỷ cho đến nửa sau của thập kỷ 1950’s: tiểu tư sản dân tộc, đi từ lãng mạn cá nhân đến lãng mạn cách mạng, hứng khởi chân thực, diễn đạt tự do, kỹ thuật theo hướng khuôn vàng thước ngọc của phương Tây và chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa nghệ thuật Pháp;
Từ cuối thập kỷ 1950’s đến trước mở cửa: công nông binh xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa cảm xúc, hứng khởi thoái hóa từ chân thực sang khiên cưỡng có chỉ đạo, kỹ thuật nghiệp dư hóa, diễn đạt gò bó, vay mượn chủ yếu từ Liên Xô Trung Quốc hoặc khai thác vốn cổ dân gian về mặt hình thức;
Từ mở cửa cho đến nay: hoang mang căn tính, dò dẫm tự do, hứng khởi thị trường, say mê hội nhập, diễn đạt vay mượn chủ yếu từ quảng cáo và các loại hình nghệ thuật phương Tây đương đại.
Đó là nói về cái dòng chảy lộ diện và đại diện của nghệ thuật Hà Nội. Gọi là chính thống cũng được, mặc dù báo chí và công luận nhiều khi vẫn không thích thế. Cũng dễ hiểu là tại sao hiện nay những tác phẩm của thời kỳ trước 1954 vẫn có sức hấp dẫn tự nhiên mạnh mẽ, và nhiều người vẫn muốn tin rằng chỉ có chúng mới mang bản sắc Hà Nội, một bản sắc đang mới manh nha chưa định hình. Cũng muốn đi tìm một dòng chảy nghệ thuật âm thầm và vô danh của Hà Nội, nhưng nếu có thì chắc nó cũng chả đại diện được cho mảnh đất vốn nhẹ nguyên tắc, ngại cực đoan, mải hưởng lạc, thạo bắt chước và giỏi thích ứng này. Âu cũng là một vấn nạn của việc đi tìm bản sắc cho một vùng đất khởi lên từ 36 phường thủ công mỹ nghệ và tiểu thương chuyên phục vụ cho cuộc sống vua quan nay lại lọt thỏm giữa những đợt triều cường nhập cư khi thế giới đã đang thành phẳng lì và ngày càng trơ trụi.
Chợt nhớ một câu thơ Tagore: ‘Ta chạy như con hươu xạ chạy trong bóng tối của rừng, điên dại với hương thơm của chính mình… Ta lạc lối và ta lang thang, tìm cái ta không thể có và có cái ta chả kiếm tìm…"
Dù sao, hươu xạ vẫn còn thơm bằng xương tủy thịt da của chính mình. Nhưng có vẻ đó lại là một câu chuyện khác.