(VOV5) - Sân khấu tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật mới để thể hiện nhằm đáp ứng tốt hơn thưởng thức của khán giả.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức vừa kết thúc tại Hà Nội và Hải Phòng. Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V quy tụ 15 đơn vị nghệ thuật trong nước, 4 đơn vị nghệ thuật nước ngoài với 19 vở diễn.
Cũng như nhiều kỳ liên hoan sân khấu thử nghiệm trước đây, liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 do Việt Nam tổ chức là cơ hội lớn cho các nghệ sỹ sân khấu trong nước giao lưu, trao đổi học thuật, học hỏi sự sáng tạo của các nghệ sỹ sân khấu đến từ nhiều nước trên thế giới, qua đó làm mới cách thể hiện sân khấu của mình. Chính vì mục đích như trên nên liên hoan sân khấu thử nghiệm có sự khác biệt so với các liên hoan sân khấu khác, bởi nó là sân khấu – sân chơi dành cho những người làm nghề hơn là khán giả thông thường.
Giải thích và cắt nghĩa rõ hơn về ý nghĩa của sân khấu thử nghiệm, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: “Sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong, sự cách tân của sân khấu, cách cấu trúc ngôn ngữ đạo diễn và nghệ thuật biểu diễn. Ở đây sân khấu thử nghiệm tạo ra được những sáng tạo mới. Đấy là điều chỉ ra được tính thử nghiệm của sân khấu. Vì vậy, cho nên tính thử nghiệm ấy chính là điều sân khấu muốn làm mới mình để vươn tới phục vụ được đối tượng khán giả trong sự bùng nổ thông tin, trong cơ chế thị trường.”
Một cảnh trong vở diễn Antigone của Lực Team |
Việc tổ chức Liên hoan sân khấu thử nghiệm không chỉ giúp các nghệ sỹ sân khấu Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về tính thử nghiệm, khuynh hướng sáng tạo của sân khấu thế giới thông qua các tác phẩm mà các đoàn sân khấu quốc tế trình diễn. Điều ý nghĩa hơn nữa, qua đó cũng là dịp để chính các nghệ sỹ sân khấu Việt có được sự so sánh, đánh giá, nhìn nhận về sự sáng tạo, hướng đi cho sân khấu Việt Nam.
Nói về mục đích này khi chúng ta tổ chúc liên hoan, NSND Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Lần này chất lượng của các vở diễn có sự chuẩn bị tốt hơn rất nhiều, hết sức phong phú về thể loại, tính thể nghiệm nâng lên một cấp so với các liên hoan lần trước. Đa số các tác phẩm của các bạn quốc tế thời lượng chỉ trong 1 tiếng, số lượng diễn viên tham gia rất ít và rất ít lời thoại, chủ yếu bằng ngôn ngữ hình thể, các ngôn ngữ biểu cảm của diễn viên và những sự dàn dựng của các đạo diễn. Đấy là những điều mà các nghệ sĩ của các nước hướng tới trong thể nghiệm. Hội nghệ sĩ cũng nhắm tới việc có nhiều những thể nghiệm như vậy, chính là tìm những hướng đi chuẩn cho sân khấu. Đấy cũng là dịp để cho các nghệ sĩ trong nước vừa trau dồi vừa giao lưu, vừa học hỏi và cũng nhìn lại xem sân khấu nước nhà đang ở chỗ nào.”
Đoàn kịch nói Hải Phòng với vở "Đến bờ bên kia" của tác giả - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Như Lai đạo diễn |
Mục đích và ý nghĩa tổ chức liên hoan sân khấu thử nghiệm đã rõ ràng. Vậy qua liên hoan chúng ta nhận ra hiện tại khuynh hướng sáng tạo mà sân khấu thế giới đang đi tìm và thử nghiệm là gì?
Tham gia và theo dõi nhiều kỳ liên hoan sân khấu thử nghiệm, đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc đánh giá về khuynh hướng mà sân khấu thế giới đang hướng tới hiện nay: “Cảm giác chủ quan của tôi: tức là sân khấu phương Tây khi làm thử nghiệm, thì bao giờ họ cũng tìm cách thoát khỏi cái cũ để tìm một ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ cũ của họ chính là sân khấu Aristot - sân khấu giống như thực, tạo ra ảo giác giống thực, hay nói nôm na là sân khấu tả thực. Tả thực đối với họ là truyền thống, thì họ phải tìm kiếm mới. Tìm ở đâu? Họ lại đi tìm vào các phương thức ước lệ, tượng trưng. Tất cả những phương tiện đó thấy bật rõ trong tìm tòi của các đoàn đến từ phương Tây. Sân khấu Phương Đông vốn là sân khấu ước lệ, sân khấu tượng trưng, thì bây giờ thử nghiệm tìm cái gì? Cũng đi tìm cái mới.
Cái mới ở đây không phải là đi vào tả thực mà đi tìm những phương tiện hiện đại nhất, để giúp cho cách thể hiện của sân khấu ước lệ. Tôi lấy ví dụ nếu như ở sân khấu phương đông cần có một thứ trang trí, như trang trí phân fhậu cảnh của tuồng chẳng hạn, thì bây giờ có thể chuyển hậu cảnh rất nhanh (nhờ kỹ thuật hiện đại...) Hậu cảnh đó giúp cho khán giả tưởng tượng ra không gian và tiếp nhận hình ảnh ước lệ qua diễn xuất của diễn viên. Đó là sự tìm tòi. Đó là thể nghiệm.”
Với việc sân khấu tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật mới để thể hiện nhằm đáp ứng tốt hơn thưởng thức của khán giả, hi vọng trong thời gian tới khán giả Việt sẽ được thưởng thức những điều mới, lạ trong cách trình diễn của các nghệ sỹ sân khấu nước nhà. Vì suy cho cùng, trong dòng chảy của nghệ thuật sân khấu luôn phải vân động, tự làm mới mình chứ không thể đứng yên một chỗ mà đòi hỏi có được sự phát triển như mong đợi.