Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Giữa những chiều không gian

(VOV5) Cuộc trò chuyện về những tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng hôm đó diễn ra trong không gian lồng lộng của ngôi nhà vườn tượng ông đang làm dở dang, thấp tầng nhưng thoáng đạt, không xa biển lắm. Và tiếng cưa, tiếng mài, tiếng đục đẽo đá của thợ làm, cả tiếng xe lu đang làm đường ngay cách đó mấy bước chân. Đà Nẵng đang phát triển, đẹp và có những dấu ấn về văn hóa, mà căn nhà của điêu khắc gia rồi cũng sẽ là một dấu ấn như thế. Tôi đã để máy thu bên những tấm đồng được đục chữ, bụi đá phủ mờ. Cả điêu khắc gia tóc bạc phong sương, thoạt trông như triết nhân Tagor an nhiên ngồi bên vườn đá kia, thật ra cũng lấp lánh giọt mồ hôi bên thái dương vì vừa dừng tay lao động.

 

 Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Giữa những chiều không gian - ảnh 1

Tôi không hỏi ông về vườn tượng tuyệt đẹp ông làm ở thành phố Đà Lạt, cũng không hỏi về những tác phẩm điêu khắc hoàn hảo cả về không gian mà ông đã làm ở Huế, ở thành phố Hồ Chí Minh, ở làng hoa Gò Vấp, trên đường Hồ Chí Minh, ở Toà thánh, mà mang theo nỗi thắc mắc riêng về những tác phẩm tượng đài đầu tiên của ông sau giải phóng


Tượng đài Mẹ dũng sĩ của Phạm Văn Hạng nằm ở ngã tư cửa ngõ thành phố Đà Nẵng. Khi tôi nói rằng nó đẹp, nhưng chưa được hoàn hảo do lớn quá giữa vị trí ngã tư chật hẹp, không có điểm nhìn thoáng đạt để cảm hết tác phẩm, Phạm Văn Hạng nói, thành phố đã rất ưu ái khi đón ông về sáng tác tượng đài này, nhưng rõ ràng ngoài hình tượng sáng tạo của nghệ sĩ thì công trình tượng đài luôn đòi hỏi cả về kỹ thuật, chất liệu, về không gian: “Nhất là tượng đài ở nơi đô thị càng đòi hỏi một không gian phù hợp. Làm thế nào để một tác phẩm đứng trước không gian phải trở thành nét điểm xuyết cho đô thị.Bản thân các nhà điêu khắc nhiều lúc cũng thấy xót xa khi không gian không chứa nổi một tác phẩm.”


 Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Giữa những chiều không gian - ảnh 2

 Dù không gian không hoàn hảo, nhưng tượng đài Mẹ dũng sĩ vẫn là một tượng đài đẹp, và còn rất nhiều ý nghĩa khi đó là tượng đài được sáng tạo từ chất liệu vỏ đạn đồng, chất liệu của chiến tranh. Chuyện không nhiều người bây giờ biết, là sau khi đất nước thống nhất, Phạm Văn Hạng đã có gần 10 năm im ắng, không có những may mắn để trình bày tác phẩm của mình. Rồi nhân đề nghị của cụ Đào Duy Anh dịp kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi, ông đã đọc toàn tập của Nguyễn Trãi, nghiên cứu cuộc đời và số phận bi thảm của một vĩ nhân, và làm một phác thảo về danh nhân văn hóa này. Báo chí đưa tin, quê hương Quảng Nam Đà Nẵng biết được, thế là có giấy mời từ Sở văn hóa thông tin do ông Nguyễn Đình An ký mời về. “Tôi ngồi tôi xét lại mình, tư cách không đủ, tài năng cũng không. Vậy là tôi viết một cái thơ cảm ơn tấm lòng của quê hương đối với tôi. Và tôi hứa một ngày nào tôi sẽ trở lại, tôi sẽ tự động về vì mình là người con của quê hương mà, chứ không thể nhận mình khách mời”.


Một năm sau đó, Phạm Văn Hạng về lại quê lo mộ phần ông bà, và tới Sở văn hóa. Ngày ấy, khi được các lãnh đạo quê nhà đặt làm tượng đài về bà mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê – huyền thoại anh hùng bất tử của người dân Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, ông trăn trở suốt ba, bốn tháng ròng mà chưa tìm ra cách thể hiện.
 “Bởi vì nếu làm hình tượng 8 nhân vật trong một không gian nhỏ như vậy thì nó trở thành một cái hoạt cảnh sân khấu. Tôi cứ phân vân hoài. Một hôm chúng tôi trên chiếc Uoat từ Tiên Phước đi về Đà Nẵng qua đất Song Bình. Qua vùng đất trống thì cơn mưa giông ập đến. Mưa và gió giật giữ quá. Tôi còn nhớ trong mưa gió tơi bời ấy, tôi thấy một cái bà mẹ đi ngược gió, miếng vải bạt che trên vai, có mấy đứa trẻ núp trong tấm vải đó. Tôi sững người, xin dừng xe lại: tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng đây này! Và hình ảnh con gà đưa hai cái cánh che cho con, tôi nghĩ đó là một hình ảnh đẹp quá….”


Nhưng từ hình ảnh lấp lánh ấy, để thành hiện thực, là những ngày trực tiếp lao lực cùng thợ, một công việc nặng nhọc khổ sai tự nguyện, làm ngày làm đêm. Từ vỏ đạn đại bác đem về, đưa vào máy tiện cắt, rồi đưa vào lò nung, cắt, xắn…làm phẳng ra rồi mới rã từng miếng, rồi dùng kỹ thuật… hoàn toàn thủ công.

 

 Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: Giữa những chiều không gian - ảnh 3

 
Trong tiếng ồn của xe lu làm đường suốt buổi chiều nắng, Phạm Văn Hạng nói với tôi rằng: “Các nhà thơ chỉ cần một miếng giấy nhỏ để suy tư, ghi chép. Còn người điêu khắc tượng đài thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp với lịch sử, bởi vì tượng đài đứng đó, hàng ngàn người qua lại mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Chữ nghệ sĩ đối với tôi thì lớn quá, nhưng tôi thích là người lao động, và là người lao động có trách nhiệm. Vì thế cái gì tôi cũng ưa dùng chữ cố gắng, mình phải cố gắng làm người lương thiện, cố gắng làm một người lao động, cố gắng làm một người nghệ sĩ, bởi vì nói cho cùng cái gì chúng ta làm cho đất nước hôm nay, đối với nhân loại vẫn chưa lớn đâu. Lần lần tôi nhận ra rằng cái mình làm không cần lớn lắm mà cần phải tinh. Điều mà tôi ước ao là phải tinh, tinh trong nghề nghiệp, tinh trong suy nghĩ, tinh trong chất liệu. Tôi luôn luôn đặt ra cho mình nhớ: Chúng ta là những người học trò nhỏ trong lịch sử.”



Và những giọt mồ hôi của người lao động - nghệ sĩ đổ ra đã kết tinh thành những tác phẩm thăng hoa. Khi viết những dòng này, tôi mới được biết rằng, những lá đồng khắc chữ tôi đặt máy bên cạnh hôm đó, là một phần nhỏ trong bộ tác phẩm thơ được khắc đục trên đồng nặng hơn 200 kg mà Phạm Văn Hạng vừa công bố.

 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân có lần nói: Có những người đi vào lịch sử bằng những cái ngẫu nhiên để nổi tiếng, có những người đi vào lịch sử thì phải đổ mồ hôi, kể cả sự đánh giá của cuộc đời vì lương tâm nghề nghiệp, lương tâm chân chính. Câu thứ hai, nhà nghiên cứu mỹ thuật tài ba ấy, dành cho điêu khắc gia Phạm Văn Hạng./.

                                                                                                            Phi Hà

Phản hồi

Các tin/bài khác